• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (09/02/1913 - 09/02/2023)

Tối ngày 09/02, tại Sân Vận động tỉnh Kon Tum, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (09/02/1913 - 09/02/2023). Đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh chủ trì buổi lễ.

Đến dự lễ có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh bạn; các vị khách quốc tế tỉnh Attapư, Sê Kông, Chămpasắc, Salavan (nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào), tỉnh Rattanakiri, Stungtreng (Vương quốc Campuchia); các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động; cùng đông đảo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tham dự lễ.

Tại buổi Lễ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy đọc diễn văn ôn lại quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Kon Tum trong 110 năm qua. Theo đó, ngày 09/02/1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đơn vị hành chính tỉnh Kon Tum. Trong quá trình thực hiện chính sách khai thác thuộc địa và nhằm tiêu diệt những người yêu nước, thực dân Pháp đã cho xây dựng Nhà ngục Kon Tum và Nhà ngục Đăk Glei để đày ải tù chính trị.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng đấu tranh kiên cường, bất khuất, góp phần làm thất bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ chiến thắng Măng Đen, Măng Bút, Kon Praih tháng 01/1954 đến đồng khởi và nổi dậy ở Tà Bót tháng 9/1960, rồi Đăk Tô - Tân Cảnh mùa hè 1972 và mùa Xuân năm 1975 với chiến tháng ngày 16/3/1975 lịch sử giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, góp phần vào đại thắng Mùa Xuân năm 1975, thống nhất nước nhà.

Thực hiện Nghị quyết 245 của Bộ Chính trị, ngày 29/10/1975, Ủy ban nhân dân Cách mạng Khu Trung bộ ra Quyết định sáp nhập hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai - Kon Tum, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Pleiku.

Bước vào công cuộc xây dựng, củng cố thành quả cách mạng sau năm 1975, tỉnh Gia Lai - Kon Tum gặp vô vàn khó khăn, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực phản động. Mặc dù vậy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đứng vững trên mảnh đất địa đầu của “mái nhà” Đông Dương và đã đạt được những thành quả nhất định về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Do diện tích của tỉnh rộng, địa hình hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn nên khó có điều kiện chăm lo đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum, ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành 2 tỉnh lấy tên là tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Lịch sử tỉnh Kon Tum lại được viết tiếp những chương mới hào hùng.

Qua quá trình chia tách, đến nay tỉnh Kon Tum có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102 đơn vị hành chính cấp xã, với dân số gần 590.000 người. Với sự phát triển không ngừng trên các lĩnh vực, kinh tế - xã hội tỉnh nhà có những điểm sáng đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,86%; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Diện mạo nông thôn và đô thị không ngừng đổi mới; các tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư, góp phần phá thế ngõ cụt, tạo nên hành lang kết nối với các tỉnh lân cận. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Lịch sử 110 năm tỉnh Kon Tum là chặng đường dài, đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, rất tự hào của vùng đất Tây Nguyên và con người nơi đây. Nhân dân các dân tộc ở Kon Tum đã đoàn kết, gắn bó keo sơn trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Càng tự hào về truyền thống quê hương Kon Tum, chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm to lớn của mình đối với tương lai phát triển của tỉnh nhà. Với khát vọng vươn lên, không cam chịu đói nghèo, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn thách thức, năng động, quyết tâm đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tiến bộ.

Tại buổi lễ, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đánh giá cao sự đoàn kết một lòng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum trong 110 năm xây dựng và trưởng thành. Đặc biệt, kể từ ngày thành lập Đảng đến nay, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Kon Tum, đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng phát triển. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum cần phát huy hơn nữa tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo. Chủ động, tích cực hội nhập, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; thu hút các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, nhất là lĩnh vực du lịch xanh, công nghiệp chế biến nông sản. Đặc biệt, đánh thức tiềm năng dược liệu quý và giá trị của cây sâm Ngọc Linh, xây dựng thành vùng trồng, chế biến dược liệu tập trung của quốc gia, coi đó thực sự là một lĩnh vực mũi nhọn chiến lược cần đặc biệt ưu tiên phát triển.

Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định công nhận thành phố Kon Tum là Đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum cho lãnh đạo thành phố Kon Tum./.

                                                                     Tin, ảnh: Nguyễn Đăng Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip