• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 74 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2022)

 

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, nào phải đương đầu chống thù trong, giặc ngoài để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã khởi xướng phong trào thi đua. Ngày 11/6/1948, Người đã ra Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” để động viên toàn thể đồng bào, chiến sỹ trong cả nước phát huy truyền thống thi đua yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc nhằm chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.

 Kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Người đã hun đúc ngọn lửa nhiệt tình cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân bằng phong trào “Thi đua yêu nước”. Người coi thi đua là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khí phách và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, làm cho lòng yêu nước được bộc lộ, thể hiện bằng những hành động cụ thể trong hoạt động lao động, sản xuất, chiến đấu và học tập hàng ngày của đông đảo quần chúng nhân dân.

Thi đua chính là những biểu hiện rõ ràng nhất, cụ thể nhất của lòng yêu nước và là một tiêu chí để đánh giá lòng yêu nước của mỗi cá nhân. Khi gắn thi đua với yêu nước, gắn yêu nước với thi đua, Bác Hồ đã khẳng định một nét bản sắc của dân tộc Việt Nam trong phong trào thi đua. Ai cũng có thể tìm thấy mình trong phong trào thi đua yêu nước, vì người Việt Nam nào cũng mang trong mình tình cảm yêu nước như một mạch chảy tiềm tàng nhưng vô cùng mạnh mẽ. Thi đua yêu nước cũng là một nhân tố, là chất gắn kết, quy tụ đông đảo các giai tầng xã hội trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi giai đoạn của cách mạng.

Theo quan điểm của Bác Hồ, thi đua phải được thể hiện bằng phong trào hành động cách mạng rộng khắp và thường xuyên. Người kêu gọi “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua…”; luôn luôn thi đua trên mọi lĩnh vực, mọi ngành, mọi giới; thi đua trong nội bộ từng ngành, từng giới; thi đua giữa các lĩnh vực, các ngành, các giới khác nhau... Người chỉ rõ: Tổ chức thi đua là công tác vận động quần chúng nên những người làm công tác thi đua “phải đi sâu đi sát phong trào, bám sát cơ sở để chỉ đạo phong trào...”; phong trào cần phải liên tục và có nội dung thiết thực, không nên chỉ có tính hình thức, có “phát mà không có động” càng không nên đầu voi đuôi chuột...

Ngay từ những ngày đầu đất nước được độc lập, toàn dân đã hưởng ứng lời kêu gọi “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; thi đua Kháng chiến - kiến quốc bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta có những phong trào: Giết giặc lập công; Giúp đỡ bộ đội; Tất cả để chiến thắng, gồm: chiến thắng thực dân, chiến thắng giặc dốt, chiến thắng giặc đói, chiến thắng mọi tính xấu trong ta.

Trong xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, chúng ta đã có nhiều phong trào: Phong trào thi đua của Công - Nông - Binh với Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba nhất; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai, tất cả vì Miền Nam ruột thịt”; phong trào phấn đấu đạt danh hiệu Hai tốt, Ba nhất, Ba sẵn sàng, Ba đảm đang... Phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp đã đem lại nhiều kết quả to lớn, xuất hiện nhiều tấm gương thi đua yêu nước trong lao động, chiến đấu, học tập, nghiên cứu khoa học…, quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, thực hiện thống nhất đất nước.

Nhìn nhận một cách tổng quát, nếu thi đua là động lực để thúc đẩy các phong trào hành động cách mạng, thì khen thưởng cũng là một trong những động lực để thúc đẩy thi đua phát triển. Thi đua và khen thưởng là hai mối quan hệ khắn khít bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Bác Hồ đã chỉ rõ: Thi đua và khen thưởng phải luôn gắn bó với nhau. Đã thi đua thì phải có khen thưởng. Đây là một việc quan trọng của công tác tổ chức thi đua. “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Trong thi đua yêu nước, khen thưởng là hình thức xác nhận sự công nhận của xã hội với những cống hiến của các cá nhân, tập thể cho sự nghiệp cách mạng. Khen thưởng chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc sẽ có tác dụng động viên khuyến khích mọi người, mọi nhà hăng hái thi đua, tạo được nhiều thành tích cho cách mạng, trực tiếp làm cho phong trào thi đua phát triển.

Chỉ hơn bốn tháng sau ngày độc lập, Bác Hồ đã ký Quốc lệnh ngày 26/01/1946, trong đó ban hành “Mười điều thưởng” trước quốc dân đồng bào với nội dung rất rõ ràng, cụ thể:

“1. Nhà nào có ba con tòng quân sẽ được thưởng;

2. Ai lập được quân công sẽ được thưởng;

3. Ai vì nước hy sinh sẽ được thưởng;

4. Ai ra trận can đảm phi thường sẽ được thưởng;

5. Ai làm việc công một cách ngay thẳng sẽ được thưởng;

6. Ai làm việc có ích cho nước nhà, dân tộc được dân chúng mến phục sẽ được thưởng;

7. Ai bỏ tiền ra xây đắp cầu cống, đê, đường sẽ được thưởng;

8. Ai bắt được nhiều kẻ phản quốc sẽ được thưởng;

9. Ai liều mình vì việc công sẽ được thưởng;

10. Ai cứu được người bị nạn sẽ được thưởng”.

Trong các cuộc nói chuyện với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở các địa phương, đơn vị, Bác Hồ thường đề cập đến công tác thi đua. Người khuyến khích làm sách “Người tốt, việc tốt” để những tấm gương thi đua được phổ biến rộng rãi trong xã hội. Đồng thời, Người cũng đặc biệt chú ý tới việc khen thưởng kịp thời. Khi đọc báo, tài liệu có nêu gương người tốt, việc tốt, Người thường đánh dấu đề nghị xác minh cụ thể để có hình thức khen thưởng kịp thời. Ngoài ra, Người còn thường gửi huy hiệu của mình tặng cho những ai làm được việc tốt. Bác Hồ thường nhắc nhở chúng ta: Thi đua - khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày. Người cũng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước cần chú ý việc tổng kết thành tích sau từng giai đoạn cách mạng, khen thưởng kịp thời những thành tích thi đua thường xuyên và đột xuất.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua - khen thưởng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xác định thi đua yêu nước là động lực to lớn để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Công tác thi đua - khen thưởng đã góp phần to lớn phát huy cao độ truyền thống yêu nước; khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức được nhiều phong trào thi đua có tác dụng thiết thực. Các cơ quan thông tin đại chúng đã chú ý hơn việc tuyên truyền biểu dương người tốt, việc tốt. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích suất sắc được các cấp, các ngành và nhà nước khen thưởng đã tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Việc khen thưởng cũng phải được đổi mới để đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới. Cần nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh các quy định về khen thưởng cho phù hợp, bảo đảm việc khen thưởng phản ánh đúng phong trào thi đua, bảo đảm công bằng, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc; khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác thi đua - khen thưởng, để thi đua - khen thưởng thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập Quốc tế./.

                                                                      Bài, ảnh: Nguyễn Đăng Bình

                                                                                 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip