• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023): Hành trình của Bác ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc; sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Với lòng yêu nước nồng nàn, ngày 05/6/1911 Nguyễn Tất Thành đã ra nước ngoài tìm đường cứu nước, làm nhiều nghề để sống và hoạt động cách mạng, tham gia lập Hội vận động cách mạng của Nhân dân nhiều nước và đấu tranh giải phóng cho dân tộc mình. Ngày 18/6/1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi đến Hội nghị Véc-xây bản yêu sách, đòi Chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp. Năm 1922 xuất bản tờ báo “Người cùng khổ” ở Pháp. Năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham gia Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á; xuất bản cuốn sách nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp.

Sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều Châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản chủ yếu và nhiều nước thuộc địa của chúng. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác - Lê-nin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và Nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của những người cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam. Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930 được sự phân công của Quốc tế Cộng sản lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.

Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (gọi tắt là Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc chí Nam đã gắn kết thành một khối thống nhất, phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta cùng một lúc phải đối mặt với “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, phức tạp, thù trong, giặc ngoài “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối, chiến lược, sách lược lãnh đạo toàn dân tộc, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua phong ba bão táp, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn Đảng xây dựng đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”; “thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược”; lãnh đạo nhân dân phát huy cao độ lòng yêu nước, khí phách anh hùng đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng Tám năm l945 thắng lợi. Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khoá I (năm 1946) đã bầu Người làm Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” (năm 1954). Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch tiếp tục lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của Nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đặt nền móng và không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 02/9/1969, hưởng thọ 79 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại. Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã phong tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh danh hiệu: “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước yêu cầu mới; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo Nhân dân tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân.

Tư tưởng, tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam, đã trở thành văn hoá dân tộc. Cốt lõi trong tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đề cao lý tưởng cứu nước, cứu dân “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Hồ Chí Minh quan niệm: “Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”. Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh. Đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc. Thấm nhuần tư tưởng của Người, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt việc học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, trong sáng về đạo đức, lối sống, có sức chiến đấu cao, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; có trách nhiệm trực tiếp làm công tác tư tưởng; có tinh thần cảnh giác, chủ động chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy mạnh chống tham nhũng, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác; đấu tranh chống diễn biến hoà bình, các luận điệu xuyên tạc, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch trong tình hình mới, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hiện nay./.

                                                                       Nguyễn Đăng Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Video Clip