• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975) sẽ mãi mãi đi vào lịch sử, là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam

 

Ngày 30/4/1975, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, là một thắng lợi của thế trận lòng dân, thế trận An ninh Nhân dân vững chắc. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước trong thế kỷ XX, do Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, là trang sử hào hùng và mốc son chói lọi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Xe tăng của Bộ đội ta tiến vào Dinh Độc lập

Trưa ngày 30-4-1975. Ảnh Tư liệu

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954, buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ thừa nhận về nguyên tắc sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng Mỹ là một trong những nước dự hội nghị Giơ-ne-vơ đã không ký tuyên bố cuối cùng của hội nghị. Mỹ nhanh chóng xúc tiến kế hoạch xâm nhập miền Nam Việt Nam nước ta bằng chính sách thực dân mới. Mỹ đã dựng lên chính phủ bù nhìn ở Miền Nam với âm mưu là tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước và cách mạng của Nhân dân ta, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, làm bàn đạp tấn công miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Xuất phát từ mưu đồ và dã tâm trên, đế quốc Mỹ đã ráo riết xúc tiến kế hoạch xâm nhập vào miền Nam nước ta để thay thế thực dân Pháp, đồng thời dựng lên chính quyền tay sai, độc tài Ngô Đình Diệm để đàn áp, tiêu diệt những người kháng chiến, cơ sở cách mạng và đồng bào ta, chúng dựng lên nhiều nhà tù, trại giam, trại tập trung; biến miền Nam thành nhà tù khổng lồ dưới sự cai trị hà khắc của Mỹ - Diệm. Tuy bị khủng bố, đàn áp, dã man nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta liên tục đấu tranh đòi Mỹ thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ, chống khủng bố, đàn áp, chống tố cộng, diệt cộng. Đồng thời, bắt tay vào việc xây dựng, củng cố và ổn định miền Bắc theo hướng XHCN làm căn cứ vững chắc cho cách mạng cả nước.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 01/1959) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Hà Nội đã ra Nghị quyết khẳng định: “Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ”. Nghị quyết 15 đã phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu tiến lên của cách mạng miền Nam. Nó là ngọn lửa dấy lên cao trào Đồng khởi (1959 - 1960) xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy kềm kẹp của ngụy quân, ngụy quyền ở các thôn xã, giành quyền tự quản về tay Nhân dân, đẩy ngụy quyền, ngụy quân vào thế lúng túng.

Để đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, chiếm lại những địa bàn đã mất sau cuộc Đồng khởi của ta, đế quốc Mỹ đã chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Chúng càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược trên qui mô lớn theo chiến thuật “tát nước, bắt cá”. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quân dân miền Nam, hệ thống ấp chiến lược do Mỹ - Diệm lập ra ở miền Nam cơ bản đã bị Nhân dân phá vỡ. Điển hình là trận Ấp Bắc (02/01/1963) đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”…; Cuối năm 1963, sau những thất bại liên tiếp, Mỹ đã phải “thay ngựa giữa dòng” bằng cuộc đảo chính, phế bỏ anh em Diệm - Nhu, làm cho nền chính trị tay sai của Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra từ miền Nam Việt Nam về báo cáo trước Nhà trắng và Quốc hội Mỹ rằng: “Quân lực Việt Nam Cộng hoà đã không còn đủ sức chiến đấu, chế độ Sài Gòn đã thất bại”.

Trước sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” điển hình như: chiến dịch Bình Giã (02/12/1964 - 03/01/1965); chiến dịch Đồng Xoài (10/5 - 7/1965)... Mỹ chuyển sang thực hiện “chiến tranh cục bộ” hòng đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 24 - 30 tháng (từ 1965 - 1967). Quân Mỹ và quân ngụy được huy động với số lượng từ 100 vạn tên lên 120 vạn tên cùng với các loại phương tiện chiến tranh hiện đại nhất thời bấy giờ, để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, hòng bẻ gãy xương sống Việt cộng ở miền Nam.

Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước. Người khẳng định: “chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Đáp lời kêu gọi của Người, khí thế đánh Mỹ của quân dân ta dâng cao trên cả hai miền. Đêm giao thừa (đêm mùng 01 tết Mậu Thân 1968), quân và dân miền Nam đồng loạt tấn công và tiến công địch ở 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, đánh vào hầu hết cơ quan đầu não Trung ương, địa phương của Mỹ - Ngụy. Ngày 31/3/1968 Tổng thống Mỹ Giôn-Xơn phải ra tuyên bố 4 điểm: Chấm dứt việc đưa quân Mỹ vào miền Nam, trao dần vai trò chiến đấu trực tiếp cho quân đội Sài Gòn; đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari; không tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai nữa. Đến 5/1968, Mỹ phải bắt đầu đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Trước những thất bại nặng nề của Mỹ - Ngụy ở cả 2 miền Nam - Bắc nước ta, Ních-Xơn đã thực hiện học thuyết “dùng người Việt giết người Việt - Việt Nam hoá chiến tranh”, “dùng người Đông Dương giết người Đông Dương” bằng tiền và vũ khí của Mỹ. Mỹ - Ngụy đã tập trung lực lượng bình định miền Nam, dùng không quân, hải quân đánh phá trở lại miền Bắc với những bước leo thang rất ác liệt, như dùng B52 để đánh trên không, thả mìn phong tỏa các cửa sông, cửa biển, mà đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 vào Hà Nội và Hải Phòng.

Thực hiện những lời hiệu triệu trong thư chúc mừng năm mới (01/01/1969) của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” và lời kêu gọi của Người tháng 7/1969 là “Đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân, ngụy quyền sụp đổ hết”. Nhờ chuẩn bị tốt cả thế và lực, nắm đúng thời cơ, bộ đội chủ lực của ta đã tiến hành thắng lợi cuộc tiến công chiến lược 1972; cùng lúc đó quân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2, nhất là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội và một số tỉnh khác của miền Bắc đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, giành thắng lợi quyết định, kết hợp chặt chẽ “đánh và đàm”; buộc Mỹ phải ký kết hiệp định Pari (ngày 27/01/1973) rút quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng Mỹ với bản chất ngoan cố, không chịu từ bỏ âm mưu duy trì chế độ thực dân kiểu mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Mỹ đã tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự, giúp chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, liên tiếp mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá hiệp định Pari của địch ngày càng tăng, Mỹ không ngại tiếp tay cho ngụy lấn chiếm và bình định, điên cuồng đánh phá hòng xóa bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng. Cuối năm 1974 cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại cuộc chiến tranh “Việt Nam hóa chiến tranh” do Mỹ - Ngụy tiến hành giành nhiều thắng lợi lớn. Ta ngày càng mạnh lên, ngụy càng ngày càng suy yếu rõ rệt, nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng.

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” và quyết tâm chiến lược, quân và dân toàn miền Nam tiếp tục chiến đấu giải phóng vùng địch chiếm đóng, đặc biệt chiến thắng giải phóng toàn tỉnh Phước Long cuối năm 1974 và đầu năm 1975 cho thấy khả năng thực tế ngày càng suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại trở lại miền Nam. Chớp lấy thời cơ, ngày 04/3/1975 quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 bằng 3 đòn chiến lược quyết định:

+ Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá chiến lược đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên;

+ Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng;

+ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn - Gia Định và giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược cứu nước của Nhân dân ta vào trưa ngày 30/4/1975.

Kỷ niệm 48 năm sau ngày đất nước được hoàn toàn Giải phóng, thống nhất Tổ quốc, Giang sơn thu về một mối, đưa cả nước cùng đi lên CNXH, huyền thoại về chiến thắng 30/4/1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của Nhân dân ta, đã trở thành mốc son chói lọi trong tranh sử sáng ngời về đấu tranh dựng nước và bảo vệ Tổ quốc của cha ông và cũng là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam. Năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi đi vào lịch sử, là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của cả một dân tộc, sẽ là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là huyền thoại trong trường ca chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; là bài học và những giá trị lịch sử để lại cho thế hệ trẻ không những hôm nay và mãi mãi về sau./.

                               Nguyễn Đăng Bình

                                                                                                        

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip