• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia đình là nhân tố tích cực để thúc đẩy sự nghiệp phát triển của xã hội

 

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày “Gia đình Việt Nam”. Theo đó, Quyết định đã nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố tích cực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua việc tái sản xuất ra con người và sức lao động, nuôi dưỡng và chăm sóc các thành viên trong gia đình. Giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá quí báu của dân tộc, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự thuỷ chung giữa vợ và chồng, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, sự tôn kính biết ơn với Tổ tiên, sự thương yêu đùm bọc giữa anh chị em trong gia đình, sống có tình, có nghĩa, có nhân cách với  họ hàng, làng xóm…

Đồng thời gia đình hiện nay cũng đang tiếp thu và thể hiện những tư tưởng tiến bộ của nhân loại; Tôn trọng và thực hiện quyền bình đẵng giới, tôn trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân, chăm sóc và dạy bảo con cái… Gia đình còn là một chủ thể văn hoá, là nền tảng cho sự phát triển và hình thành nhân cách của mỗi con người. Nhân cách tốt hay xấu, phát triển đến mức độ nào phụ thuộc rất lớn vào quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Trong gia đình luôn đề cao hai mối quan hệ cơ bản đó là: quan hệ hôn nhân (vợ - chồng) và quan hệ huyết thống (cha mẹ - con cái). Xem xét trên mọi phương diện thì đây là những mối quan hệ gần gũi nhất, gắn bó nhất trong cuộc sống hằng ngày. Cơ sở của mối quan hệ này là tình cảm yêu thương nhau gắn kết ở đạo lý và huyết thống. Sự gắn kết này tác động rất lớn đối với hành vi và nhân cách của mỗi người. Cách ứng xử trong gia đình không phải là trừu tượng, là lời nói suông mà là một thực tế hữu hiệu qua lời nói, cử chỉ, việc làm và hành động cụ thể.

Ông bà chúng ta đã day: “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoặc “Chồng giận thì vợ bớt lời, Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Đây thực sự là một kinh nghiệm quí báu, một bí quyết về cách sống và là văn hoá ứng xử trong gia đình để giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Văn hoá ứng xử trong gia đình không chỉ dừng lại ở lời nói, thể hiện qua cách giao tiếp mà thể hiện qua tình cảm vợ chồng thiêng liêng, cao quý: “Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn” hay là “Trên đồng cạn dưới đồng sâu, Chồng cày vợ cấy, can trâu nó đi bừa”...

 Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, giao lưu văn hoá với các nước đang làm biến đổi cấu trúc và tác động ảnh hưởng đến các chức năng của gia đình. Ngoài các yếu tố tích cực của nền kinh tế sản xuất hàng hoá nhiều thành phần mang lại, thì mặt trái của nó là lối sống thực dụng, ích kỷ đang làm nguy cơ, mai một, xói mòn giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Để giữ gìn bản chất, truyền thống tốt đẹp của cấu trúc gia đình người Việt, xã hội đang quan tâm đến vấn đề về mối quan hệ gia đình sao cho dân chủ và cởi mở hơn, quyền và lợi ích của mỗi cá nhân ngày càng được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, song vẫn giữ được nề nếp gia phong của mỗi gia đình, mỗi họ tộc. Do vậy, đối với mỗi người cần có trách nhiệm với nhau trong việc xây dựng gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc. Gia đình Việt Nam ngày càng tiếp thu và xây dựng những giá trị nhân văn mới mà tiêu biểu là quyền bình đẵng giới và quyền về trẻ em. Trách nhiệm giữa vợ và chồng trong việc chăm lo xây dựng đời sống gia đình được chia xẻ và tôn trọng. Vai trò của người phụ nữ ngày càng tham gia và quyết định tích cực vào các công việc quan trọng của gia đình như sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động chính trị, văn hoá - xã hội ngày càng cao.

Bên cạnh những thay đổi tích cực nói trên, Gia đình Việt Nam cũng đang đứng trứơc những khó khăn, thách thức do tác động của những biến đổi của nền kinh tế thị trường. Hiện tượng tảo hôn trong tình hình hiện nay vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng nông thôn và miền núi, do trình độ nhận thức và hiểu biết của một số người trong độ tuổi trưởng thành; mặt khác, cũng còn không ít số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh nhiều con, nhiều người còn có tư tưởng “Trời sinh voi, sinh cỏ”. Chính từ những hiện tượng trên đã dẫn đến tình trạng ly hôn, ly thân ngày càng cao. Tình trạng trẻ em hư lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị lạm dụng và sa vào các tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, trong đó có nguyên nhân từ gia đình chiếm tỷ lệ cao đang là mối quan tâm bức xúc của mỗi gia đình và là nỗi lo chung của toàn xã hội.

Hiện tượng phân hoá giàu nghèo trong xã hội vẫn còn, đã dẫn đến sự khác biệt lớn về mức sống, lối sống, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá, giáo dục, về chăm sóc sức khoẻ, về việc làm và mức thu nhập phần nào đã ảnh hưởng đến cấu trúc và truyền thống gia đình Việt Nam. Để đạt được gia đình ấm no, hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, thiết nghĩ chúng ta không thể xem nhẹ chức năng giáo dục truyền thống đạo đức, gia phong và văn hoá ứng xử trong gia đình; cần phải giáo dục nhận thức đầy đủ về đạo đức lối sống, nhân cách trong mỗi con người, mỗi hộ gia đình. Đây là một việc làm cần thiết không phải của một cấp, một ngành mà là một việc chung của toàn xã hội.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những đổi thay, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay không chỉ là dịp tôn vinh những mái ấm gia đình Việt mà còn là cơ hội để mỗi thành viên thấu hiểu và quý trọng hạnh phúc đang có, nhiều gia đình Việt Nam năm nay sẽ có nhiều cơ hội sum họp để thể hiện tình thân trong gia đình nhân dịp đặc biệt này./.

                                                                      Nguyễn Đăng Bình

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip