• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo vệ Môi trường là một việc làm cần thiết của mọi người dân

Ngày nay môi trường nước ta nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng đang bị xuống cấp nhanh, có nơi, có lúc đã đến mức báo động; đất đai bị xói mòn, thoái hoá; chất lượng các nguồn nước bị suy giảm mạnh; không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm nặng nề; khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng; tài nguyên thiên nhiên trong nhiều trường hợp bị khai thác quá mức, không có qui hoạch; đa dạng sinh học bị đe doạ nghiêm trọng, điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở nhiều nơi không đảm bảo. Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; quá trình đô thị hoá, sự gia tăng dân số quá cao, tình trạng đói nghèo chưa khắc phục được tại một số vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các thảm hoạ do thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu đang tăng, gây áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường.

Do vậy việc bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của sự phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người dân, là biểu hiện của nếp sống văn hoá, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự nối tiếp truyền thống yêu thiên nhiên, sống hài hoà với tự nhiên của cha ông chúng ta.

Đối với Kon Tum của chúng ta, việc bảo vệ môi trường trong những năm qua đã thực hiện tốt; nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn liên tiếp xảy ra, do thiên tai lũ lụt nên đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Do vậy việc bảo vệ môi trường trong tình hình hiện nay, cần phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu với môi trường là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực trong xã hội, kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp phòng chống. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở; để từ đó làm cho môi trường ở khu dân cư ngày càng “Sáng - Xanh - sạch - đẹp” và làm cho mọi người dân có ý thức, kiến thức, sống thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; đấu tranh khắc phục các tệ nạn, tập tục lạc hậu, thói quen trong sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng; xâm hại đến tài nguyên, môi trường. Bảo vệ môi trường là một công việc lâu dài, bền vững và phải được sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành chức năng và Mặt trận Tổ quốc cũng như các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh; Nhà nước cần phải tạo điều kiện về mọi mặt cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ to lớn và hết sức quan trọng này.

Để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành chức năng trong công tác bảo vệ môi trường, đòi hỏi phải đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên chúng ta cần làm tốt những việc sau đây:

Một là: Hoạt động bảo vệ môi trường tác động toàn diện đến các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và bản thân con người, đặc biệt là con người, với tư cách vừa là khách thể, lại vừa chủ thể, quyết định chất lượng môi trường. Việc xây dựng môi trường sinh thái có tầm quan trọng quyết định tới toàn bộ sự nghiệp bảo vệ môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung. Do đó, trong hoạt động của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các ngành chức năng luôn lấy con người làm trung tâm, động lực của sự đoàn kết và phát triển đất nước. Việc bảo vệ môi trường chính là để thực hiện các mục tiêu về chiến lược con người đã được đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong chương trình đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự tương đồng về mục tiêu, về nội dung giữa hai nhiệm vụ không chỉ nói lên vị trí quan trọng của môi trường trong đời sống xã hội mà còn phản ánh nhu cầu về sự cần thiết phải phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Hai là: Việc bảo vệ môi trường không chỉ có quan hệ tác động hỗ trợ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững mà trong quá trình đó, luôn luôn phát sinh những xung đột về lợi ích giữa các lĩnh vực kinh tế - xã hội và giữa các chủ thể trong việc hưởng thụ, trong việc sử dụng các thành phần môi trường với việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường, không chỉ nhằm tạo ra sự đồng thuận xã hội, làm hậu thuẫn cho các hoạt động quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trờng, cho các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, mà còn góp phần giải quyết những mâu thuẫn trên, đồng thời tăng cường mở rộng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay.

Ba là: Xuất phát từ vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị xã hội và trong mối quan hệ với các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường vừa để phát huy sức mạnh và huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lại vừa góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Đây là những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ môi trường nói riêng và phát triển bền vững nói chung. Mặt khác hoạt động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường có mối quan hệ tương tác chặt chẽ với nhiệm vụ công tác Mặt trận.

Nhân ngày môi trường thế giới 05/6/2022; với chủ đề “Chỉ Một Trái đất”, nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Do vậy, việc tham gia bảo vệ môi trường vừa là cơ hội, vừa là điều kiện để xây dựng môi trường của chúng ta ngày càng “sáng, xanh, sạch, đẹp” là một việc làm không chỉ của một cấp, một ngành mà là trách nhiệm và nhiệm vụ chung của toàn xã hội./.

                                                 Bài, ảnh: Nguyễn Đăng Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip