• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW về “Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ở Kon Tum

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 (khóa IX) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tạo được sự thống nhất giữa Đảng, Chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội và các tầng lớp Nhân dân, qua đó niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng vững chắc và gắn bó.

Đoàn đại biểu các tầng lớp Nhân dân, nhân sỹ, trí thức, chức sắc các tôn giáo tỉnh

đi thăm, chúc mừng Tỉnh ủy 93 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/2023)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp, các ngành trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; đề ra các chỉ tiêu phấn đấu phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, cơ sở. Ủy ban Nhân dân tỉnh tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, dân tộc. Đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ tri thức, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về công tác thanh niên có hiệu quả.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy Kon Tum đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết trong từng giai đoạn, trong các cấp, các ngành; tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng theo đúng chỉ đạo của cấp trên bằng việc xây dựng các Nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch theo từng chuyên đề của các ngành, các cấp. Trong quá trình lãnh đạo, điều hành, đã kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, phát sinh từ thực tiễn, Tỉnh ủy đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết để lãnh đạo thực hiện như phát triển kinh tế - xã hội, vận động Nhân dân phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Chính quyền các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, lấy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân là nhiệm vụ trung tâm; gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái trong từng bước phát triển; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu chính đáng. Tổ chức việc kết nghĩa, giúp đỡ nhau giữa các địa phương là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Kinh tế từng bước tăng trưởng và phát triển, hàng năm các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; gắn kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư và nâng cấp, tạo tiền đề và góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội như hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị; cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được hoàn thiện.

Về văn hoá, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, trình độ dân trí, chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân giữa các đô thị với nông thôn và vùng đồng bào DTTS của tỉnh ngày càng được chăm lo; gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tập trung phát triển đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh; quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đặc biệt là thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy Kon Tum về chủ trương thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Sau hơn hai năm thực hiện Kết luận, đến giữa năm 2023, đã có 12.307 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 50%) thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình.

Đến nay, nhiều thôn (làng) đã triển khai thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; nhiều hộ gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc nuôi, dạy con cháu, tự nguyện đưa con, em trong độ tuổi đến trường, thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, thay đổi dần cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất; có 25.035 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (đạt trên 99%) trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến về nội dung CVĐ; có 13.646 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo (đạt gần 50%) biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; có 10.992 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện (có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người DTTS trong tỉnh, có mô hình sản xuất ổn định, nhà ở kiên cố và một số vật dụng thiết yếu như ti vi, xe gắn máy, điện thoại thông minh…; có 3.583 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo (đạt gần 13%) tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; có 6.115 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo (cuối năm 2022, đạt trên 17%) và 2.149 hộ đồng bào DTTS thoát hộ cận nghèo (đạt trên 3%).

Ngoài ra, tỉnh đã thường xuyên thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, chăm lo đời sống của các tầng lớp Nhân dân và quan tâm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan tâm thực hiện tốt việc thực hiện các chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng hoàn thiện các cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện phương châm“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong tất cả các loại hình. Thực hiện tốt chương trình, chính sách đối với đồng bào DTTS như chính sách đất ở, đất sản xuất, giao khoán quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đào tạo lao động, đào tạo nghề, bồi dưỡng văn hóa để cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho địa phương.

Bên cạnh đó, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân luôn đề cảnh giác, không tin, không nghe và không làm theo lời của kẻ xấu xúi giục, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương; các sự kiện chính trị quan trọng, văn hóa, lễ hội được bảo vệ tuyệt đối; các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự được tăng cường, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm hiệu quả.

Thông qua công tác dân vận, sự đồng thuận trong xã hội về cơ bản được bảo đảm, khối đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội được tăng cường. Nhiều chương trình lớn như giúp nhau giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tham gia các lễ hội... được sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, mang lại kết quả tốt.

* Những bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW đã rút ra

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết Trung ương và tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện. Phát huy rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, xây dựng vững chắc mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong tầng lớp Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết; có cơ chế, chính sách phù hợp phát huy vai trò của các giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, củng cố vững chắc liên minh công - nông - trí, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tạo sự đồng thuận xã hội vì mục tiêu chung xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng tiến bộ, văn minh và giàu mạnh.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đổi mới tác phong lề lối làm việc và phong cách phục vụ Nhân dân. Thực hiện việc lựa chọn, bố trí quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ.

Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh  thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát quần chúng, cơ sở, quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân./.

                                                                 Bài, ảnh: Nguyễn Đăng Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Video Clip