• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.

* Bài viết đánh giá khái quát tình hình thực tiễn và sự cần thiết để triển khai thực hiện Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững". Kết quả tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động của các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Chính trị - Xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong thời gian qua, những cách làm hay, các mô hình điển hình tiêu biểu cần được duy trì và nhân rộng. Đồng thời, đề ra một số giải pháp, kinh nghiệm để tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn, góp phần từng bước đưa tỉnh Kon Tum sớm thoát nghèo bền vững.

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở Bắc Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 9.689,61 km, có 09 huyện, 01 thành phố với 102 xã, phường thị trấn, gồm 756 thôn, tổ dân phố. Dân số toàn tỉnh đến năm 2023 có trên 610.000 người, với 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS là 312.430 người, chiếm 54,93% dân số toàn tỉnh, có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Có 5 tôn giáo chính: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo.

Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) có truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, giúp đỡ lẫn nhau; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; mỗi dân tộc đều có bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, Kon Tum nói riêng. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo cấp uỷ đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi từng bước ổn định và phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế: kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc; nguồn nhân lực của tỉnh nói chung, vùng DTTS nói riêng còn thiếu, tỷ lệ lao động có chất lượng cao còn thấp; hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến chưa nhiều. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục còn khó khăn. Mạng lưới y tế hoạt động hiệu quả chưa cao. Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, tỉ lệ hộ nghèo là người DTTS còn cao, khoảng cách giàu nghèo còn khá lớn.

Từ khi được chia tách, thành lập lại tỉnh (1991), Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương đặc thù về xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh, phân công các cơ quan, đơn vị nhận kết nghĩa, trực tiếp hỗ trợ các xã trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các Sở, ban ngành trong tỉnh thực hiện có hiệu quả các Chương trình về hỗ trợ đất sản xuất, vay vốn ưu đãi, xây dựng nhà ở nhân dân, xây dựng điện, đường, trường, trạm, … cho nhân dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế địa phương về thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, chưa thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của người dân tộc thiểu số trên địa bàn; Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số còn cao, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào DTTS còn thấp, còn chịu sự ảnh hưởng của một số hủ tục lạc hậu; giao thông không thuận lợi; một bộ phận còn trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước; khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn chậm được thu hẹp so với các vùng khác… số mô hình về phát triển kinh tế còn hạn chế về nguồn lực, thiếu tính liên kết giữa các ngành, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chậm được cải thiện, nâng cao và thiếu tính bền vững.

Hạn chế trên đến từ nguyên nhân khách quan: là tỉnh có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, địa bàn rộng và chia cắt, trình độ dân trí thấp và không đồng đều; thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; giá cả thị trường có nhiều biến động bất lợi, nhất là các mặt hàng nông sản; một số chính sách thay đổi nhưng chậm được Trung ương hướng dẫn, hoặc có hướng dẫn nhưng chưa thống nhất, bố trí nguồn lực không đủ...

Về nguyên nhân chủ quan: Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức về công tác dân tộc, vị trí, vai trò của vùng dân tộc và miền núi trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh chưa sâu, chưa kỹ, nên quá trình triển khai thực hiện hiệu quả chưa cao. Một bộ phận đồng bào DTTS chưa chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng; tư duy về nếp nghĩ, cách làm trong đời sống, lao động sản xuất chưa được đổi mới; tỷ lệ tái nghèo trong đồng bào DTTS còn cao.

* Qua nhiều năm được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp của chính quyền; Mặt trận và các tổ chức thành viên, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai các phong trào, các cuộc vận động, thuộc các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Tuy nhiện, sự chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng chưa đồng bộ, sự phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu nhịp nhàng, các nguồn lực chưa có sự đầu tư đúng mức…

Từ những kết quả đạt được, những tồn tại và hạn chế nêu trên. Đặc biệt, để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết số 06-NQ/ĐH, ngày 30-9-2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI khẳng định: Phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững".

Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, xã hội và tính nhân văn sâu sắc. Cuộc vận động mang tính “Toàn dân-Toàn diện-Toàn tỉnh”; Toàn dân là cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, khoa học, tất cả các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng tích cực, đoàn kết một lòng để cùng nhau thực hiện; Toàn diện là đầy đủ các nội dung về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng; Toàn tỉnh là cuộc vận động được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn, thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư, từ thành thị đến nông thôn.

 Qua 2 năm thực hiện, công tác tuyên truyền vận động, CVĐ đã và đang xây dựng được các mô hình, điển hình tiêu biểu như: Tổ chức tập huấn kỹ năng triển khai Cuộc vận động cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, ban quản lý các thôn, làng, trong đó nhấn mạnh về phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xoá bỏ các hủ tục, tập tục lạc hậu, ăn ở hợp vệ sinh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, hỗ trợ chăn nuôi heo; mô hình “Thanh niên nuôi cá”, “Trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh”; hỗ trợ gia súc, gia cầm, cây giống, xây dựng “Vườn rau thanh niên”; thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên đồng bào DTTS làm kinh tế; liên kết kinh doanh dịch vụ Homestay... hỗ trợ hộ dân người đồng bào DTTS phát triển kinh tế; Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội LHPN các cấp, đã huy động tổng lực đoàn viên, hội viên cùng vào cuộc tham gia CVĐ.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên cơ sở nguồn kinh phí do Trung ương phân bổ, đồng thời bố trí nguồn kinh phí từ địa phương để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội để hỗ trợ cho đồng bào DTTS. Bộ Chỉ huy Quân sự thực hiện mô hình “Mẹ đỡ đầu”; các mô hình “Giảm hộ nghèo bền vững”, mô hình “Bộ đội tham gia giữ gìn bản sắc văn hoá Cồng chiêng”, “Quân đội chung sức xây dựng công trình an sinh xã hội” tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, “Hành trình Quân đội vì sức khoẻ cộng đồng”; Công an tỉnh đã xây dựng mô hình “Hộ gia đình phát triển kinh tế”, “Con đường xanh”, trồng 100 cây dừa xiêm, cây chanh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã Hỗ trợ bò giống sinh sản giúp hộ nghèo trên khu vực biên giới; mô hình “Con nuôi Biên phòng”, Chương trình “Nâng bước em tới trường”, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

Các huyện, thành uỷ, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố, đảng uỷ các xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát, lựa chọn duy trì và xây dựng được 562 mô hình hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, chỉnh trang cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuyên truyền, vận động xoá bỏ các hủ tục lạc hậu... Các mô hình đã huy động được trên 35,4 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ 12.682 hộ dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Qua việc triển khai thực hiện Cuộc vận động, đã có 12.307 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS đã thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình; nhiều thôn, làng đã triển khai thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường; nhiều hộ gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc nuôi, dạy con cháu, tự nguyện đưa con, em trong độ tuổi đến trường, tham gia các lớp học bổ túc văn hóa, xóa mù chữ, thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, thay đổi dần cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất... thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường; có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được hình thành, bộ mặt nông thôn mới các vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần được hình thành và từng bước hoàn thiện. 

Để tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh và triển khai hiệu quả Cuộc vận động“Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian tới cần tập trung một số giải pháp như sau:

- Tiếp tục xác định vai trò định hướng, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, các cấp, ngành với MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện Cuộc vận động.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số gắn liền trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong tỉnh, chú trọng vào các nội dung tư vấn, chỉ việc cụ thể, thiết thực gắn liền với đời sống nhân dân.

- Thực hiện lồng ghép việc triển khai Cuộc vận động trong nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua khác trên địa bàn tỉnh, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...

- Các địa phương quan tâm bố trí nguồn kinh phí phù hợp để triển khai thực hiện Cuộc vận động, chú trọng kinh phí tuyên truyền, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững tại địa phương, xây dựng nông thôn mới trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tuyên truyền vận động và tư vấn cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, cách thức triển khai, hình thức góp vốn xây dựng và duy trì các mô hình Hợp tác xã phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình, lấy ngắn nuôi dài; tổ chức hội chợ thương mại, chợ khu vực cụm khu dân cư, giới thiệu tạo cơ hội đầu ra các sản phẩm, nhằm động viên, khích lệ nhân dân làm giàu chính đáng ngay tại địa phương, cơ sở mình.

- Thường xuyên đổi mới phương thức tổ chức thực hiện của các cơ quan, ban ngành, địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn tỉnh cần phải có sự chỉ đạo tích cực từ các cấp ủy Đảng, sự phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ của Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.

Xuân Châu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Video Clip