• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐOÀN KẾT LƯƠNG GIÁO TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

  Kế thừa, bổ sung, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu một cách có hệ thống những quan điểm toàn diện về tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo để nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng, đoàn kết toàn dân đứng lên đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Theo Người, đồng bào lương hay đồng bào giáo đều là người Việt Nam, đều là người lao động, sự nghiệp cách mạng là việc lớn, là sự nghiệp chung, không phải chỉ của một hai người cho nên người kêu gọi lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng Nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

 

Kế thừa, bổ sung, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu một cách có hệ thống những quan điểm toàn diện về tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo để nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng, đoàn kết toàn dân đứng lên đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Theo Người, đồng bào lương hay đồng bào giáo đều là người Việt Nam, đều là người lao động, sự nghiệp cách mạng là việc lớn, là sự nghiệp chung, không phải chỉ của một hai người cho nên người kêu gọi lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng Nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Theo Hồ Chí Minh cơ sở của đoàn kết lương giáo không chỉ xuất phát từ thực tế đất nước, từ truyền thống đoàn kết của dân tộc, từ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn xuất phát từ lý luận học thuyết Mác - Lênin, xem cách mạng là sự nghiệp của quần chúng… Nên nó sâu nặng trong tình cảm yêu nước thương dân nói chung và lòng nhân ái sâu sắc với đồng bào các tôn giáo nói riêng. Hồ Chí Minh là người luôn biết hòa vào quần chúng, nâng họ lên, hiểu họ yêu gì, mong muốn điều gì. Vì vậy, theo Người để xây dựng khối đoàn kết lương giáo cần phải thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, quan tâm sâu sắc đến lợi ích thiết thực của giáo dân cả phần đời và phần đạo. Hồ Chí Minh cho rằng nước có độc lập mà dân không được ấm no hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì. Đồng bào các tôn giáo theo cách mạng mà Đảng, Nhà nước không quan tâm đến lợi ích thiết thân của đồng bào để “phần xác ấm no, phần hồn thong dong” thì không thể đoàn kết được. “Nếu giáo dục tốt thì giáo dân có thể đấu tranh... sống theo Đảng, chết theo Chúa... ta quan tâm đến đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì không sợ gì cả...”[1]. Từ đó, Người đặc biệt quan tâm tỉ mỉ đến mọi mặt đời sống sản xuất, ăn, ở, học hành của đồng bào các tôn giáo. Người nhắc nhở cán bộ chú ý phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của giáo dân. Khi có điều kiện, Người luôn gửi thư thăm hỏi, động viên, tặng quà các chức sắc tôn giáo, từ các cụ già đến các em bé trong các tôn giáo. Với những người lầm đường lạc lối, Người kiên trì thuyết phục, cảm hoá với thái độ khoan dung độ lượng, bằng những lời lẽ chân tình. Theo Hồ Chí Minh, họ đều là “ruột thịt” đều “con Lạc, cháu Hồng” đều có lòng yêu nước nhưng do mắc mưu kẻ địch nên chưa nhận ra lẽ phải mà thôi. Vì thế, Người luôn ''mong những đồng bào đó mau mau giác ngộ và quay về với kháng chiến để phụng sự Chúa, phụng sự Tổ quốc''. Chính phủ luôn “hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về”[2]... Các hoạt động sinh động, phong phú đó đối với đồng bào các tôn giáo thể hiện sự quan tâm sâu sắc chân thành, tôn trọng niềm tin của tín đồ, chức sắc tôn giáo của Người. Tấm gương ứng xử của Hồ Chí Minh đối với đồng bào các tôn giáo đã cảm hoá được đa số chức sắc, tín đồ các tôn giáo theo Đảng làm cách mạng.

Hai là, thực hiện bình đẳng các quyền lợi và nghĩa vụ công dân đối với đồng bào theo tôn giáo. Mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Đồng bào tôn giáo trước tiên là công dân Việt Nam nên tất yếu cần được đối xử bình đẳng như mọi công dân khác, đồng thời họ là tín đồ của một tôn giáo nên quyền tự do tôn giáo được tôn trọng và bảo đảm. Nhưng trong thực tế, vì nhiều lý do mà có lúc, có nơi đồng bào các tôn giáo chưa được đối xử bình đẳng, nên phải quan tâm, thực hiện tốt bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”. “Tốt đời” và “đẹp đạo” phải đi liền với nhau, trong đó “tốt đời” là nền tảng, cơ sở căn bản của “đẹp đạo”. Tôn trọng tự do tín ngưỡng phải đi đôi với không ngừng tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo tiến bộ về mọi mặt cả về đời sống vật chất và tinh thần. Người luôn quan tâm, nhắc nhở: “Chúng ta kháng chiến, cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất và làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do”[3]. Đây là phương pháp, biện pháp có ý nghĩa nền tảng, tiên quyết trong thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và  đồng bào có tôn giáo hiểu rõ và làm đúng chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền tự do tôn giáo, xây dựng khối đoàn kết lương giáo. Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, giáo dục đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo và lực lượng cách mạng cốt cán trong các tôn giáo để họ lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, Người coi trọng phương pháp giáo dục, giải thích nâng cao nhận thức cho đồng bào tôn giáo về chính sách, bởi nhận thức của họ thường bị hạn chế và bị kẻ thù xuyên tạc các chính sách của cách mạng để chia rẽ đoàn kết lương giáo do đó cán bộ, đảng viên phải giải thích về chính sách tôn giáo, cho họ hiểu rõ và thực hiện tốt chính sách ấy. Người chỉ rõ nguyên nhân cán bộ chưa làm tốt công tác tuyên truyền là: “vì cán bộ ta kém, có nơi đã có những hành động lố lăng, phạm đến tín ngưỡng và quyền lợi của đồng bào tôn giáo”[4].

Bản thân Hồ Chí Minh là một hình mẫu tuyệt vời về việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ và đồng bào các tôn giáo. Người hiểu rõ nên nói với đồng bào các tôn giáo điều gì và những gì chưa nên tuyên truyền, không bao giờ Người đem lý luận chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác - Lênin nói với những người tín hữu. Người cũng phê bình uốn nắn các cán bộ cố nhồi nhét chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa vô thần cho người theo đạo, dù họ đã đi với cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ nói đến chủ nghĩa yêu nước theo cách giản dị đó là lòng yêu nước và yêu quê hương do đó đất nước có độc lập, quê hương có được giải phóng thì giáo dân mới có thể tự do hành đạo... Người luôn sử dụng những lời lẽ của chính các tôn giáo trong các thánh kinh để nói chuyện với giáo dân làm tăng tính thuyết phục và dễ đi vào lòng người. Khi còn ở Thái Lan và khi về Pắc Bó, Người đã từng giảng giải các tôn giáo để đồng bào hiểu và chính tay Người đã từng vẽ ảnh Đức Phật, dựng ngôi chùa để cho đồng bào khỏi đi lễ xa...Người luôn sử dụng nhiều hình thức linh hoạt để tuyên truyền vận động Nhân dân. Với Người, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, là làm gì để xây dựng được khối đoàn kết lương giáo, có lợi cho cách mạng thì đều được phép và cần thiết cả. Đó là nét sáng tạo rất Hồ Chí Minh.

Bốn là, luôn quan tâm xây dựng lực lượng cách mạng cốt cán trong tín đồ chức sắc tôn giáo. Người tin tưởng khả năng cách mạng to lớn của giáo dân, chức sắc tôn giáo; quan tâm xây dựng lực lượng cách mạng cốt cán ở các vùng có đông đồng bào tôn giáo. Theo Người, giáo dân có sự vâng phục thần quyền giáo lý rất lớn nên cán bộ cốt cán là chức sắc, tín đồ tôn giáo thì việc vận động cách mạng đối với giáo dân sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. Bởi thế, Người đã luôn cố gắng thu phục, cảm hoá, bồi dưỡng các chức sắc, tín đồ tôn giáo theo cách mạng. Thực tế, nhiều chức sắc tôn giáo đã được Hồ Chí Minh cảm hoá và đã có đóng góp đáng kể cho cách mạng như: Ngô Tử Hạ, Nguyễn Mạnh Hà, Hồ Ngọc Cẩn, Cao Triều Phát, Phạm Bá Trực... Người rất quan tâm đến vấn đề phát triển đảng viên là người các tôn giáo. Người nói: “Có anh em hỏi một người Công giáo có thể vào Đảng Lao động không? Có. Người tôn giáo nào vào cũng được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật Đảng”[5]. Theo tư tưởng đó, hiện nay Đảng ta có hàng chục nghìn đảng viên là người theo tôn giáo, chứng tỏ Đảng và Nhà nước ta đã quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo. Nhờ nghệ thuật ứng xử chân thành, lịch lãm, Hồ Chí Minh đã tranh thủ được lực lượng cần tranh thủ, phân hoá được lực lượng cần phân hoá rất có lợi cho cách mạng.

Năm là, kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục. Mê tín dị đoan là vấn đề phức tạp, nên khắc phục nó không hề đơn giản, đòi hỏi kiên trì trong thời gian dài. Bởi vậy, Hồ Chí Minh khuyên cán bộ một mặt phải tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, mặt khác phải kiên trì giáo dục quần chúng xoá bỏ “mê tín nhảm” và các hủ tục. Người nhắc nhở cán bộ không thành kiến, hẹp hòi, không xúc phạm tín ngưỡng, không mắc bệnh dùng lý luận không đúng lúc, hay đao to búa lớn “nào khách quan, chủ quan”, “nào tích cực, tiêu cực”… mà “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Cán bộ phải: “Dạy cho đồng bào: Thường thức vệ sinh để cho dân bớt đau ốm; Thường thức khoa học để bớt mê tín nhảm”.

Người đã soạn ra 12 điều răn với lối viết súc tích dễ nhớ, trong đó có 6 điều không nên và 6 điều nên làm. Điều không nên thứ 5 là: “không nên xúc phạm tín ngưỡng, phong tục của dân như nằm trước bàn thờ, giơ chân lên bếp, đánh đàn trong nhà”. Điều nên thứ 5 là: “Nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là gây cảm tình và sau là để dần dần giải thích cho dân bớt mê tín”. Cùng với 12 điều răn là 8 điều mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng được Hồ Chí Minh soạn ra, trong đó điều thứ 4 là: “Bảo vệ đền chùa nhà thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hóa xã hội khác…Chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào”[6].

Như vậy, theo Hồ Chí Minh phương pháp giáo dục khắc phục mê tín hủ tục phải thận trọng, kiên trì, gần gũi với đồng bào; với phương châm lấy cái tốt mà bỏ dần cái xấu, “dần dần nói cho người ta hiểu, để người ta vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta”[7]không thể nóng vội xoá bỏ hết mọi sự mê tín một cách cực đoan.

Sáu là, đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với các thủ đoạn chia rẽ đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Hồ Chí Minh luôn khẳng định, lợi dụng tôn giáo chống lại cách mạng là bản chất của các thế lực thù địch với nhiều thủ đoạn thâm độc kích động mâu thuẫn lương giáo, chia rẽ đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc. Chúng nêu hai chủ đề lớn Quốc gia - Cộng sản, Cộng sản - tôn giáo để hù doạ, kích động, chia rẽ giáo dân. Chúng tuyên truyền: “Cộng sản là vô thần sẽ tiêu diệt tôn giáo”, “thà mất nước còn hơn mất Chúa”…Và thực tế, một bộ phận giáo dân đã mắc mưu, ngộ nhận tin theo luận điệu thâm độc đó. Người đã vạch rõ sự xuyên tạc thâm độc của thế lực thù địch để chức sắc, tín đồ các tôn giáo khỏi ngộ nhận. Ngay từ những năm 1924 (trong phần Giáo hội - Đông Dương), Hồ Chí Minh đã lên án mạnh mẽ thực dân Pháp cấu kết với các giáo sỹ, chức sắc Công giáo để xâm lược Việt Nam. Người tố cáo giáo sỹ Pháp làm gián điệp, trực tiếp bắn giết đồng bào ta cả giáo và lương. “Chính những tên giáo sĩ đã vẽ bản đồ An Nam cho quân xâm lược. Chính bọn họ đã đưa tin cho gián điệp dẫn đường cho đội viễn chinh và tố giác những người yêu nước”[8]. Và Người đi đến một kết luận có tính lịch sử: “Nếu có dân tộc nào phải ơn Chúa và các giáo sĩ thì chính đó là dân tộc An Nam! Vì Chúa và các giáo sĩ mà dân tộc này phải sa vào cảnh nô lệ như ngày nay”[9].

Trong thời kỳ bị thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh khẳng định: Thực dân Pháp là bọn đốt nhà thờ, hiếp bà phước, giết tín đồ chức sắc, giết dân ngoại đạo...Chúng là bọn ác ma, bọn phản Chúa, giết Chúa. Người phân biệt rạch ròi tôn giáo với việc lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng. Bọn đội lốt tôn giáo để chống phá cách mạng là bọn “Việt gian đồng thời cũng là giáo gian”, chúng là bọn bất chính, giả danh tín đồ để làm điều xấu độc mà thôi. Người không bao giờ phê phán giáo dân và Ki tô giáo nói chung. Từ đó, Người kêu gọi: “đồng bào cảnh giác và chớ mắc mưu những kẻ tuyên truyền lừa bịp”. “Bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng cương quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước”[10] Người chứng minh rằng “nước độc lập, dân mới tự do tín ngưỡng” để đồng bào hiểu và thực hiện đúng chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Đây là luận điểm có giá trị lớn, giải toả băn khoăn, thắc mắc, mặc cảm của tín đồ, chức sắc tôn giáo trước các luận điệu xuyên tạc thâm độc của kẻ thù.

Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp biến các giá trị văn hoá của các tôn giáo, bám sát thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã để lại những tư tưởng về đoàn kết tôn giáo đặc sắc góp phần giải quyết thành công vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy về tôn giáo và đặc biệt là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết đồng bào lương, đồng bào giáo, đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau trong một khối đại đoàn kết dân tộc, đây là vấn đề mang tính chiến lược và lâu dài của cách mạng Việt Nam.

Th.s Phạm Thị Thu



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia. H. 2011, tr.142

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia. H. 2011, tr. 249.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia. H. 2011, tr.377

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia. H. 2011, tr.394

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia. H. 2011, tr. 200.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia. H. 2011, tr. 488

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia. H. 2011, tr. 127.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia. H. 2011, tr.442.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia. H. 2011, tr. 442.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia. H. 2011, tr. 313.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip