NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA CÔNG TÁC TÔN GIÁO THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Suốt cuộc đời hoạt hoạt động lý luận và thực tiễn của mình, Hồ Chí Minh luôn kế thừa và phát triển sáng tạo những quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và quan điểm về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam với tinh thần: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”1, vì thế, cần bổ sung và phát triển học thuyết đó bằng thực tiễn của các dân tộc phương Đông và Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh không chỉ có tầm nhìn sắc sảo, khách quan, khoa học về tôn giáo mà Người còn có những đóng góp lớn mang tính đặc sắc riêng có của mình về công tác tôn giáo. Hay nói cách khác, Hồ Chí Minh đã phát triển tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê nin về công tác tôn giáo lên một trình độ mới, thể hiện ở những nội dung cơ bản sau.
Thứ nhất, trong công tác tôn giáo phải thật sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân.
Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn là mẫu mực cho nhận thức và hành động về sự tôn trọng tự do, tín ngưỡng của nhân dân. Trước Cách mạng Tháng tám, trong 10 chính sách của Việt Minh, Người đã đề cập đến vấn đề tự do, tín ngưỡng của nhân dân: Chính phủ Việt Minh ban bố quyền tự do, tín ngưỡng và không phân biệt tôn giáo. Ngay sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, ngày 3/9/1945, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mà Hồ Chí Minh đề cập đến là vấn đề tôn giáo: “thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và LƯƠNG GIÁO ĐOÀN KẾT”2
Ngoài việc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, Hồ Chí Minh còn phê phán các biểu hiện vi phạm đến tự do tín ngưỡng của nhân dân. Người vạch rõ: “Không nên xúc phạm tín ngưỡng, phong tục của dân (như nằm trước bàn thờ, giơ chân lên bếp, đánh đàn trong nhà, v.v…”3. Đặc biệt, sự tôn trọng tự do, tín ngưỡng của nhân dân còn được thể hiện chính bằng hành động cao cả của Người như: đã đích thân dự những buổi lễ cầu hồn khi đồng bào công giáo bị giặc Pháp giết hại, hoặc tự tay vẽ ảnh phật cho đồng bào theo đạo phật.
Hồ Chí Minh cũng nghiêm khắc phê phán, lên án, đấu tranh đối với những phần tử lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, những kẻ hành nghề mê tín dị đoan, phê phán những việc làm sai chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Chính phủ, ở cả giáo chức, tín đồ và cán bộ, đảng viên. Mê tín dị đoan là những hành vi lợi dụng niềm tin mê muội, không phù hợp với tiến bộ chung, trái với lợi ích xã hội, gây thiệt hại trực tiếp cho chính người tin theo. Mê tín dị đoan là vấn đề phức tạp, việc khắc phục nó không đơn giản, vì thế Hồ Chí Minh, luôn khuyên cán bộ phải kiên trì giáo dục quần chúng, phải dạy cho đồng bào về “Thường thức vệ sinh để cho dân bớt đau ốm” và “Thường thức khoa học để bớt mê tín nhảm”.
Người cũng tố cáo mạnh mẽ sự vi phạm tự do tín ngưỡng của địch: “Bọn đế quốc phản động do Mỹ cầm đầu thường vẫn tuyên bố là kính trọng tôn giáo” tuy nhiên theo Người “Bọn đế quốc phản động không có chút gì kính trọng tôn giáo, và những lời chúng nói toàn là để lừa bịp những người tôn giáo”4.
Thứ hai, mọi công tác tôn giáo đều hướng tới xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng khối đoàn kết giữa đồng bào theo đạo và không theo đạo.
Cơ sở khách quan vững chắc của khối đoàn kết toàn dân tộc được Người chỉ rõ là lợi ích chung của mọi người Việt Nam giáo cũng như lương, đó là quyền được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Đây chính là mẫu số chung, điểm tương đồng để gắn kết mọi người thành một khối đoàn kết vững chắc, đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước. Trong thư gửi đồng bào nhân ngày lễ thiên chúa giáng sinh: Người chỉ rõ: “Toàn thể đồng bào ta, không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”5. Trên cương vị là người đứng ở vị trí cao nhất của Đảng, Nhà nước, Người đã đưa ra chính sách và các việc làm cụ thể để xây dựng khối đại đoàn kết tôn giáo. Chẳng hạn, thông qua các vị chức sắc trong tôn giáo để xây dựng khối đoàn kết đồng bào giáo dân. Trong “Thư gửi giám mục Lê Hữu Từ”. Người viết: “Thưa Cụ, chính phủ dự bị phái đại biểu vào miền Nam Trung bộ để uý lạo đồng bào trong đó. Vì ở miền đó cũng có nhiều đồng bào công giáo, nên tôi muốn nhờ cụ chọn cho một vị linh mục thân tín của cụ cùng đi với các đại biểu của chính phủ vào thăm đồng bào ta”6. Hơn nữa, ở đâu? nơi nào? kẻ thù hoặc những kẻ đội lốt tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết tôn giáo thì Người đã trực tiếp chỉ đạo hoặc cử cán bộ tin cậy vào giải quyết. Chẳng hạn khi Bác cử đồng chí Vũ Đình Huỳnh đến phát hiện nơi đang có biến cố về tôn giáo, Bác đã căn dặn: Nhiệm vụ của chú ở đó là giàn xếp mối quan hệ giữa cụ Từ và chính quyền địa phương để xây dựng khối đại đoàn kết..., bất kì thế nào chú phải đi gặp cụ Từ để giải thích cho hết sự hiểu lầm đó... Quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo còn nhằm vào mục đích của sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo để cứu nước, cứu dân là vô cùng cần thiết, đồng thời, Người cũng bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Trong Thư gửi đồng bào công giáo toàn quốc nhân dịp lễ đức chúa giáng sinh, Người chỉ rõ: “Nhân dịp lễ Đức Chúa giáng sinh, tôi thân ái gửi đồng bào lời chúc phúc. Trong khi bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ tìm mọi cách chia rẽ lương giáo, hòng cướp nước ta, thì việc đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo để cứu nước, cứu dân là vô cùng cần thiết. Tôi thành thật khen ngợi những đồng bào công giáo đang hăng hái tham gia kháng chiến cứu nước. Tôi mong tất cả đồng bào công giáo chúng ta đoàn kết chặt chẽ với đồng bào toàn quốc, kháng chiến mạnh hơn để tiêu diệt bọn xâm lược và bè lũ việt gian bán nước, giải phóng cho Tổ quốc”7.
Hồ Chí Minh kiên quyết phê phán những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng tự do tín ngưỡng để kích động hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân, chia rẽ đoàn kết lương - giáo, xâm phạm lợi ích chung của đất nước, của toàn dân tộc. Theo Người, bọn đội lốt tôn giáo để chống phá cách mạng là bọn “Việt gian đồng thời cũng là giáo gian”. Người đã đưa ra nhiều biện pháp để chống lại sự lợi dụng đó của kẻ thù. Trong đó có những giải pháp hết sức quan trọng đó là: Ra sắc lệnh về việc bảo tồn, bảo vệ các di sản văn hoá của tôn giáo như đình, chùa, miếu, nhà thờ, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; giáo dục tư tưởng cho cán bộ của Chính phủ quán triệt tinh thần ấy để một mặt thực hiện tốt chính sách tôn giáo đối với đồng bào có đạo, mặt khác phải kiên quyết đấu tranh, vạch trần những kẻ lợi dụng tôn giáo để chống nhân dân, chống chế độ; quan tâm thực sự đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào các tôn giáo.
Thứ ba, phải luôn luôn sáng tạo hình thức, phương pháp trong công tác tôn giáo.
Trong công tác tôn giáo, Hồ Chí Minh không cứng nhắc hình thức và phương pháp tiến hành mà Người luôn luôn có sự sáng tạo về hình thức và phương pháp mới cho phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Hồ Chí Minh định chủ trương xây dựng giáo hội việc làm theo tam đồng: tự sinh, tự dưỡng và tự lập không dính dáng đến toà thánh Vaticăng nhưng không được. Hay sau năm 1956, Người có ý định thành lập tổ chức tin lành yêu nước, Người gọi mục sư Lê Văn Thái để thuyết phục nhưng không thành vì mục sư Lê Văn Thái cho rằng: tôn giáo của chúng tôi không phải là tôn giáo nhập thế..., mong cụ thứ lỗi cho.. Những mong muốn đó vì những lý do khách quan khác nhau nên khôngđược triển khai trong thực tiễn nhưng nó đã minh chứng cho sự sáng tạo hình thức, phương pháp mới về công tác tôn giáo của Hồ Chí Minh.
Mặt khác, sự sáng tạo vận dụng nhiều hình thức, phương pháp mới của Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo còn được thể hiện ở việc: Hồ Chí Minh tìm kiếm sự đồng thuận giữa mục tiêu của cách mạng với mục đích của những người sáng tạo ra tôn giáo. Dĩ nhiên là mục tiêu cách mạng đồng thuận với mục đích của tôn giáo nguyên thủy chứ không phải thứ tôn giáo bị lợi dụng hoặc trong quá trình vận động, nó có thể bị biến chất, bị tha hoá. Hồ Chí Minh tiến hành công tác tôn giáo với tư tưởng của những người đồng cảm với suy nghĩ, tình cảm, niềm tin của những người đồng thuận vì lợi ích của dân tộc, tổ quốc. Ngay trong cách sử dụng ngôn ngữ, văn phong của mình cũng rất gần gũi và gây được sự đồng cảm với đồng bào tôn giáo, Người chưa bao giờ gọi công giáo là “thiên chúa giáo”, mà Người thừa nhận tên gọi của họ, Người rất thiên tài trong sử dụng ngôn từ, nắm chắc nội dung của các giáo lý, giáo luật để thu phục đồng bào theo đạo. Đồng thời, bằng thủ pháp vạch rõ âm mưu chia rẽ của bọn thực dân đế quốc như một mặt đối lập để làm công tác tôn giáo. Người viết: “bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mưu cướp nước ta, bọn Việt gian bù nhìn mưu bán nước ta. Chúng muốn bắt dân ta làm nô lệ. Chúng phạm nhiều tội ác, như đốt phá tượng thánh, nhà thờ, giết hại nhân dân lương và giáo. Chúng đã bạo ngược làm trái hẳn với lời chúa”8.
Trong công tác tôn giáo, Hồ Chí Minh chỉ ra phương pháp, phương châm để tiến hành vận động đồng bào công giáo là phải 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, phải có tính tổ chức, tính kỷ luật và lòng kiên trì trong công tác vận động đồng bào theo đạo.
Sự sáng tạo đặc sắc trong công tác tôn giáo của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ Người luôn xác định đúng trọng tâm, trọng điểm công tác tôn giáo - đó là công tác công giáo. Điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình tôn giáo và điều kiện lịch sử đương thời. Theo thống kê, trong các bài phát biểu của Bác về tôn giáo thì có tới 60% Bác nói về công giáo, nói tới đồng bào theo đạo thiên chúa. Trong bài phát biểu với đoàn đại biểu Công an Cu Ba, Bác đã đề cập: ở Việt Nam vấn đề tôn giáo chính là vấn đề công giáo. Theo quan điểm của Người: Công tác vận động quần chúng là nói đến công tác vận động đồng bào tôn giáo. Trong thực tiễn cách mạng, thời kì nào vấn đề tôn giáo có sự “bức xúc” thì Người đều giành nhiều tâm huyết, thời gian vào việc đó. Cụ thể thời kì 1945 - 1946, 1954 - 1956 là hai thời kì có rất nhiều bài viết, bài nói của Người về tôn giáo đặc biệt là vấn đề công giáo.
Qua những vấn đề trên cho chúng ta thấy tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo thể hiện tính nhân văn cao cả của Người, phản ánh tính đặc sắc của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin về công tác tôn giáo vào điều kiện cụ thể ở nước ta. Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực về thái độ ứng xử đối với tôn giáo, trong những hoàn cảnh lịch sử ngặt nghèo của sự nghiệp giải phóng dân tộc, khi các thế lực phản cách mạng luôn tìm cách lợi dụng tôn giáo vì mục tiêu chính trị, chia rẽ và phá hoại khối đoàn kết dân tộc thì Hồ Chí Minh vẫn luôn tỉnh táo, sáng suốt để nhìn nhận, đánh giá và có thái độ ứng xử đúng mực đối với tôn giáo và công tác tôn giáo. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh đức khôn ngoan của phật, lòng bác ái của chúa, triết học của Mác, thiên tài của Lênin và tình cảm của người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”9
ThS. Lương Văn Công
Chú thích:
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H, 1995, t1, tr 465.
- Sđd, t4, tr 9
- Sđd, t5, tr 409
- Sđd, t6, tr 582
- Sđd, t4, tr 490
- Sđd, t4, tr 211
- Sđd, t6, tr 589
- Sđd, t7, tr 197
- Phạm Văn Đồng, Một con người, một dân tộc, một sự nghiệp, NXB Sự thật, H, 1990, tr 19.
- 01/01/2020 00:00 - Công khai dự toán ngân sách năm 2020
- 31/12/2019 15:42 - TÌNH THƯƠNG YÊU ĐỐI VỚI NHÂN DÂN TRONG DI CHÚC CỦA…
- 31/12/2019 15:36 - Sáng ngày 28/12, tại Hà Nội, Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kế…">Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đả…
- 31/12/2019 14:54 - Chiều ngày 30/12, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Hội nghị để lấy ý kiến tham gia gó…">(Mặt trận) - Hội nghị góp ý kiến tham gia đối vớ…
- 28/12/2019 10:20 - Ngày 19/4/2019, Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 892 về xây dựng khu dân cư n&…">Xã Hà Mòn chung tay xây dựng khu dân cư nông thôn…
- 26/12/2019 17:04 - Ra mắt tổ nòng cốt thôn Xuân Tân- Đăk Xú- Ngọc Hồi Thực hiện Hợp đồng trách nhiệm với Ủy ban Trung ươn…">Hiệu quả từ mô hình phòng, chống tội phạm tại cộng…
- 26/12/2019 16:59 - Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum trong những năm qua, đã dần được cải thiện về thu nhập, đồng thời đóng g&oacu…">Quản lý, bảo vệ rừng - Cơ hội phát triển kinh tế t…
- 26/12/2019 16:54 - Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh và HĐND thành phố Kon Tum khóa XI (nhiệm kỳ 2016 …">HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri phường Duy Tân
- 24/12/2019 15:52 - Ngày 23/12, Ban Thường Uỷ ban MTTQ tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị sơ kết Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn …">Hội nghị sơ kết Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết …
- 24/12/2019 15:44 - Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22…">Khánh thành Nhà Văn hóa thôn Ya De, xã Ya Xiêr, …