• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập MTDTTN Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021):

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết toàn dân tộc Trước lúc đi xa Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta Di sản tư tưởng vô cùng quý báu, những quan điểm toàn diện, nhất quán và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết toàn dân tộc

Trước lúc đi xa Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta Di sản tư tưởng vô cùng quý báu, những quan điểm toàn diện, nhất quán và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam. Cách mạng muốn thành công phải có lực lượng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối. Đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.

Người căn dặn, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp cho phù hợp với những đối tượng khác nhau, nhưng đại đoàn kết toàn dân tộc phải luôn luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng, được xây dựng trên cơ sở lấy lợi ích tối cao của đất nước và quyền lợi cơ bản của Nhân dân lao động làm nền tảng; kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích gia đình với lợi ích xã hội, lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc. Lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Đó là nguyên tắc “bất biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Lấy cái bất biến, cái thống nhất, cái chung, cái ổn định làm điểm tương đồng mà điều hoà, giải quyết cái “vạn biến”, tức cái khác biệt về lợi ích, về ý kiến, về thị hiếu, về thành phần xã hội vốn có trong Nhân dân, trong xã hội.

Vì vậy, để cách mạng thành công, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải tiếp tục quán triệt sâu sắc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, như Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, cũng là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Như vậy, đại đoàn kết dân tộc chính là đòi hỏi khách quan của bản thân quần chúng Nhân dân trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình, là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã kết hợp nhuần nhuyễn luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng với tư tưởng truyền thống lấy dân làm gốc. Dân, theo tư tưởng của Người, bao gồm mọi công dân không phân biệt dân tộc thiểu số với đa số, người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, không phân biệt giàu, nghèo.

Yêu dân, tin dân, dựa vào dân, sống chết vì dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của Nhân dân là nguyên tắc tối cao và xuyên suốt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã dành cả cuộc đời tạo dựng và chăm lo cho rừng cây đại đoàn kết dân tộc ngày càng đâm chồi nảy lộc, nở hoa kết trái. Người căn dặn chúng ta: “Muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người”. Theo Người, đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi chung chung, mà phải trở thành đường lối chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nó phải trở thành sức mạnh vật chất, một lực lượng mạnh có tổ chức. Tổ chức đó chính là Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

Trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nội dung và hình thức tổ chức của Mặt trận có sự thay đổi phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng lúc, từng nơi. Đó là Mặt trận dân chủ Đông Dương trong những năm đấu tranh hợp pháp 1936 - 1939, Mặt trận Việt Minh trong cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật đưa tới thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Liên Việt trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ở miền Bắc) và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình ở miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, Nhân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy Năm Châu, chấn động địa cầu, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, giải phóng được một nửa đất nước, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn ở miền Nam ruột thịt.

Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, Nhân dân ta đã làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) đưa đất nước ta cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội, bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Kế tục vai trò lịch sử của các hình thức tổ chức Mặt trận trước đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và tất cả mọi người Việt Nam đang định cư sinh sống và làm ăn ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ, ở trong nước hay ở nước ngoài, miễn là tán thành mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần tích cực vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập MTDTTN Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021); 91 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã rút ra cho mình một bài học lớn: Đó là khi nào Mặt trận nắm vững tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết và phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc thì dù có khó khăn đến mấy cách mạng cũng vượt qua. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay tiếp tục thực hiện tư tưởng, đường lối đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.  

                                                   Bài, ảnh: Nguyễn Đăng Bình

                                                                            

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Video Clip