• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Già làng A Xoanh học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Là người dân tộc Ba Na, A Xoanh 52 tuổi (ảnh) được sinh ra và lớn lên ở làng Kon Gộp, xã Đắk Pờ Ne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum; khi còn nhỏ cha anh được dân làng tin yêu bầu làm Già làng, đến năm 1997 cha anh mất do bị bệnh; với lòng hăng say nhiệt tình nối gót cha, được dân làng tin tưởng bầu làm Già làng khi anh mới vừa tròn 30 tuổi, là một trong những Già làng trẻ nhất ở làng Kon Gộp từ trước đến nay, bản thân A Xoanh giàu kinh nghiệm, có nhiều uy tín với tác phong “miệng nói, tay làm”, luôn nêu gương sáng về lòng tận tuỵ gắn bó với quê hương được dân làng tin yêu.

Thật vậy, sau khi được bầu làm Già làng, anh đã nếm trải không ít buồn vui, Già làng A Xoanh như hoá thân vào từng hoàn cảnh của mỗi gia đình, của mỗi người, anh luôn gần gũi với nhân dân, gắn bó với nhân dân, nói cho dân nghe, chỉ cho dân làm, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương, đi sâu đi sát với quần chúng, hoà mình với nhân dân cùng tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt mọi nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước, vận động nhân dân thực hiện các phong trào ở địa phương; xoá bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống văn minh - gia đình văn hoá, bài trừ  các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong nhân dân; giữ vững những nét đẹp và giá trị văn hoá truyền thống của dân làng; thực hiện định canh định cư, giãn dân tách hộ lập vườn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện chương trình dân số - KHHGĐ, vận động bà con không nghe và làm theo lời của kẻ xấu xúi giục, lôi kéo, kích động nhằm chống phá cách mạng, gây chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, tự mình vươn lên trong cuộc sống. Thường xuyên phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng lực lượng dân quân tại chỗ, thường xuyên tuần tra canh gác, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra ở tại địa bàn khu dân cư để bảo vệ sự bình yên cho thôn xóm.

Hiện nay, ngoài nhiệm vụ là Già làng, anh còn đảm nhận cương vị công tác ở khu dân cư như: Tổ trưởng Tổ hoà giải... Là người luôn chịu khó, chịu khổ trong công việc, anh luôn có tâm niệm là làm sao cho khu dân cư của anh luôn được bình yên, nhân dân ấm no, hạnh phúc là anh phấn khởi lắm, tư tưởng của anh luôn hướng về Đảng, hướng về nhân dân và luôn hoạt động làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.

Qua tâm sự Già làng A Xoanh cho biết, trong làng của anh hiện có hơn 130 hộ, với trên 460 nhân khẩu, hầu hết là người dân tộc Ba Na sinh sống và làm ăn. Trong những năm qua nhờ có chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống nhân dân trong làng đã được nâng lên đáng kể; hiện tại trong làng vẫn còn hộ nghèo chiếm đến 45%; 50% có đời sống trung bình và 3% số hộ có đời sống khá. Về văn hoá - xã hội, y tế, giáo dục luôn được quan tâm, nhân dân trong làng đã đóng góp công sức và tiền của để làm một nhà rông văn hoá, dùng làm nơi vui chơi giải trí, hội họp của dân làng và tổ chức các lễ hội mừng lúa mới; Tết cổ truyền của dân tộc và các lễ hội khác của dân làng. Ngay tại trung tâm của làng được Nhà nước đầu tư xây dựng một Trường Tiểu học và một Trường Mầm non, tạo điều kiện cho con em đến trường đến lớp học tập.

Trong sinh hoạt nhân dân hàng tháng anh luôn phản ánh những câu chuyện về Bác Hồ, để qua đó thảo luận, những ý kiến, những gợi ý, nhắc nhở cũng như những bài học kinh nghiệm cho mọi người dân trong làng noi theo, học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Bên cạnh đó, kêu gọi nhân dân nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc và đời sống hằng ngày về chấp hành tốt Hương ước, qui ước ở khu dân cư và luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức.

Cứ 3 tháng một lần, anh chủ trì cuộc họp nhân dân ở khu  dân cư, vừa để nắm bắt tình hình đời sống của nhân dân, vừa qua đó tuyên truyền, vận động người dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Anh thường xuyên kêu gọi mọi người dân trên địa bàn thực hành tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày, tiết kiệm trong việc sử dụng điện… trách xa hoa, lãng phí; sửa đổi lối làm việc khoa học, đúng giờ, biết quý trọng thời gian của cán bộ và nhân dân ở khu dân cư.

Ngoài ra, anh còn vận động các đoàn thể trong khu dân cư thực hiện tốt các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước; “Nhân đạo từ thiện” đối với những người bất hạnh trong cuộc sống, giúp đỡ những người già yếu neo đơn, không nơi nương tựa, vận động con em là học sinh đến trường, đến lớp để học cái chữ… Qua phong trào, anh đã đề xuất với chính quyền, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư giải quyết, hoà giải thành công nhiều vụ việc xích mích, mâu thuẫn nhỏ xảy ra hằng ngày ở địa bàn, đem lại sự đoàn kết, nhất trí của bà con. Vào các dịp lễ, Tết, mừng lúa lúa mới, anh vận động bà con nhân dân tổ chức lễ hết sức tiết kiệm, không xoa hoa, lãng phí nhưng phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc, qua đó giúp người dân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Già làng A Xoanh đã tuyên truyền, vận động nhân dân trong làng hiến hơn 5.000 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng Trường Mẫu giáo, Trường Tiểu học để tạo điều kiện cho con em nhân dân trong làng đi học được thuận tiện.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ về tư tưởng luôn phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, hằng năm công tác vận động thanh niên trong làng thực hiện nghĩa vụ quân sự đều đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Anh thường xuyên phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với nhân dân để bà con thực hiện. Anh thường nói: “Mình phải luôn gương mẫu đi đầu trong gia đình, phải giáo dục truyền thống cho con cháu để con cháu noi theo, luôn xác định tư tưởng, lập trường học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong những sinh hoạt, những việc làm nhỏ nhất của cuộc sống hằng ngày”.

Tôi hỏi: với trách nhiệm như vậy, mỗi tháng anh được phụ cấp bao nhiêu? Anh cho biết: với chức năng và nhiệm vụ của một Già làng, tôi luôn tận tuỵ với quê hương, gắn bó với dân làng; suốt ngày “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” chứ không có phụ cấp một đồng nào cả, nhưng điều làm cho tôi luôn phấn khởi tích cực trong công tác là đã cống hiến sức lực của mình để đem lại niềm tin cho bà con nhân dân trong làng. Tôi luôn thường xuyên đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở khu dân cư phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều, nên đã tạo điều kiện cho đời sống của nhân dân ngày một nâng cao. Tôi mong muốn cống hiến nhiều hơn để đem lại lợi ích cho người dân và tham gia công tác xã hội; anh cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên giờ đây, tất cả mọi ngươì dân trong làng của anh ai cũng có cơm ăn, áo mặc, có nhà để ở, con cháu được học hành, xóm làng được yên vui, gia đình ấm no, hạnh phúc, nhưng đời sống của bà con còn nhiều khó khăn vất vả, cần được đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm.

Với lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và biết ơn Bác Hồ kính yêu; đồng bào dân tộc Ba Na chúng tôi nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn; phát huy hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sát cánh cùng các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam cùng nhau chung sức, chung lòng phấn đấu xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, văn minh và tiến bộ. Đó cũng là lời nhắn nhủ chân tình, mộc mạc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đại diện cho ý chí bà con dân làng Kon Gộp, đến với Đảng và Nhà nước cần có sự quan tâm đối với người dân ở địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa./.

                                                                               Bài, ảnh: Nguyễn Đăng Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Video Clip