• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến thắng 30/4/1975: Chặng đường lịch sử, chiến công oanh liệt của cả dân tộc Việt Nam

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trải qua 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt. Đảng và nhân dân ta phải đấu trí và đấu sức chống tên đế quốc giàu mạnh và hung bạo nhất trong phe đế quốc. Cuộc kháng chiến này đã trải qua nhiều giai đoạn, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ.

Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960: Đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ.

Tại Hiệp định Giơnevơ, mặc dù thực dân Pháp và can thiệp Mỹ phải ký về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Nhưng với những mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, gạt bỏ những thế lực tay sai của Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta. Chính quyền Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng” đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam Việt Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung.

Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là cách mạng XHCN ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ hậu phương vững mạnh của cách mạng cả nước. Hai là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà.

Thực hiện hai nhiệm vụ trên, Nghị quyết 15 (1959) của Trung ương Đảng ra đời, mở đường cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng Khởi (1959 - 1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã.

Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965: Đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” để đối phó với cách mạng miền Nam. Đó là chiến lược dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu nhân dân miền Nam vào các trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân. Từ đây, cuộc đấu tranh của nhân dân ở miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai.

Từ giữa năm 1965 đến cuối năm 1968: Trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa năm 1965 đến cuối năm 1967), đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Đảng ta phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc.

Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Tiếp theo những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Pleime, Đất Cuốc, Bầu Bàng..., ta lại đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam Bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây Khu V, Đường 9 Khe Sanh, đồng bằng Nam Bộ và các mục tiêu chủ yếu của địch ở các thành phố lớn. Quân và dân miền Bắc tiếp tục đánh trả các cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho tiền tuyến miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.

Từ năm 1969 đến năm 1973: Phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam với Lào, Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán.

Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Lào và Campuchia. Thủ đoạn xảo quyệt của Mỹ là thực hiện chiến tranh hủy diệt, giành dân và bóp nghẹt để làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Những thắng lợi của chiến tranh cách mạng ba nước Đông Dương trong hai năm 1970 - 1971 đã tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược mùa hè năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác ở miền Bắc, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam.

Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975: Tạo thế và lực, thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân về nước, nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tăng cường viện trợ tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn lấn đất, giành dân, khống chế nhân dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Chúng điên cuồng đánh phá hòng xoá bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng.

Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc. Nửa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” đã giành được thắng lợi. Ta ngày càng mạnh lên, ngụy ngày càng suy yếu rõ rệt. Nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ. Tháng 7/1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thắng lợi toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974, đầu năm 1975 càng cho thấy sự suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay trở lại Việt Nam.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở Việt Nam.

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch. Đến sáng ngày 30/4, khi tình hình của Nguỵ quyền Sài Gòn cực kỳ nguy ngập, quân ta theo kế hoạch đã tiến công vào Dinh Độc lập. 10 giờ 45 phút cùng ngày, chiếc xe tăng của ta Type 59 mang số hiệu 390 đã xông tới húc tung cánh cổng chính, đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe và chạy lên nóc Dinh Độc lập cắm là cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 11 giờ 30 phút, Tổng thống Nguỵ quyền Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đến ngày 02/5, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) một chặng đường dài lịch sử, chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng (30/4) đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc xâm lược ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc./.

          Nguyễn Đăng Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip