• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tất yếu của Cách mạng Việt Nam.

Tiến tới Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum lần thứ XI và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029; xin gửi tới bạn đọc lịch sử ra đời và những trang sử hào hùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum trong công tác xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng tỉnh kon Tum ngày càng ổn định và phát triển bền vững.

Kỳ 1: Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tất yếu của Cách mạng Việt Nam.

Trong niềm vui, niềm tin yêu và tự hào được sống trong xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đất nước hòa bình, hạnh phúc, ấm no và phát triển hôm nay, chúng ta thành kính tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già kính yêu của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông, đất nước ta. Tư tưởng của Người mãi tỏa sáng soi đường cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập của Nhân dân ta đi đến thắng lợi. Chúng ta nguyện tiếp tục đi theo con đường cách mạng của Người, phấn đấu thực hiện mục tiêu lý tưởng mà Người hằng mong ước. Chúng ta tưởng nhớ đến những người con của quê hương Kon Tum, những nhà lãnh đạo, những chiến sĩ cộng sản kiên cường và xuất sắc của Đảng, của Mặt trận như: Đồng chí Ngô Đức Đệ, Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Kiên, Nay Der, A Chương, A Tranh và nhiều đồng chí khác, các Anh hùng liệt sỹ, các đồng chí, đồng bào của quê hương Kon Tum đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ vì sự trường tồn và tương lai tươi sáng của dân tộc. Chúng ta biết ơn sâu sắc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình đồng bào, đồng chí của quê hương đã có công nuôi dưỡng, che chở cán bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ trong các thời kỳ cách mạng, đã góp công lao to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng và của Dân tộc ta.

Sau khi Đảng ta thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930). Trong giai đoạn cách mạng nước ta chưa giành được chính quyền về tay Nhân dân, Mặt trận là nơi tập hợp, huy động sức mạnh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng để tiến hành đấu tranh cách mạng và giành được chính quyền về tay Nhân dân. Các hình thức tổ chức hoạt động của Mặt trận như: Hội phản đế đồng minh (1930), Phản đế liên minh (1935), Mặt trận thống nhất Dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (1940), Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh (1941), Hội Liêp hiệp quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên - Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955, 1977), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam (1968) là sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với từng thời kỳ đấu tranh của cách mạng Việt Nam. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của mọi người Việt Nam, tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và  xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.  

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh

tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu

Thắng lợi huy hoàng của cách mạng tháng Tám 1945, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gắn liền với sự nghiệp vẻ vang của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh. Mặt trận Việt Minh chính là sự kế tục sự nghiệp cách mạng đã được chuẩn bị từ trước của Hội phản đế đồng minh (1930-1936) và của Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939). Tiếp theo Mặt trận Việt Minh là Mặt trận Liên Việt (hợp nhất từ Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam ngày 3/3/1951) đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Kế tục sự nghiệp của Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955) đã đoàn kết, tập hợp các tầng lớp Nhân dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.  

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam (1968) đoàn kết nhân dân cả nước làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang: bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam,  hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, con đường đi lên CNXH mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường với nhiều thành phần kinh tế, đại diện cho mỗi thành phần kinh tế là một bộ phận trong nhân dân, một lực lượng xã hội. Cùng với sự cạnh tranh kinh tế để phát triển là sự phân hoá giàu nghèo. Đồng thời, do yêu cầu phát triển của cuộc sống, trong xã hội ngày càng có nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp ra đời. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự giao lưu văn hoá sẽ tác động đến lối sống và cách nghĩ của mỗi người và của mọi tầng lớp trong xã hội. Mặt khác, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu thực hiện chiến lược diễn biến hoà bình nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Trong giai đoạn mới của cách mạng, dân chủ ngày càng mở rộng thì vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, xây dựng sự đồng thuận xã hội của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ngày càng quan trọng để đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Từ khi đất nước thống nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ cách mạng mới. Hiến pháp năm 1992 đã xác định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân...”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, ngày 12/6/1999 Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, nơi hiệp thương phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.  

Trên cơ sở hoàn thiện chủ trương đường lối của Đảng về Đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định những quan điểm cơ bản của Đảng về Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam như sau: “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh thành hoạt động thực tiễn sinh động trong cuộc sống của Nhân dân”. 

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Mặt trận đã tiếp tục mở rộng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực vận động Nhân dân phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực, tự cường vươn lên, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh và các điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất kinh doanh, học tập, công tác; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển tình đoàn kết hữu nghị với các nước trên thế giới.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, Mặt trận thực hiện chủ trương đoàn kết rộng rãi tất cả các tầng lớp Nhân dân: lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; xoá bỏ mọi mặc cảm, định kiến; không phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau nhưng không trái với lợi ích của dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội. Mặt trận luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của Dân tộc... (Còn nữa

Kỳ hai: Mốc son khởi đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum.

 

Xuân Châu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Video Clip