Kỳ hai: Mốc son khởi đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum.
Là một bộ phận cấu thành của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, Mặt trận Kon Tum mang đầy đủ những tính chất, đặc điểm và các nguyên tắc chung của Mặt trận cả nước. Ngoài ra còn mang những tính chất đặc thù, đặc sắc thể hiện trong tiến trình cách mạng, ở mỗi điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng giai đoạn lịch sử mà ở các địa phương khác không có.
Ngay từ năm 1930, ảnh hưởng của phong trào cách mạng đã đến với đồng bào các dân tộc Kon Tum, thông qua những người tù chính trị đã tạo ra bước ngoặt cũng là dấu mốc lịch sử chính là sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại nhà ngục Kon Tum (9/1930) và tiếp theo là Chi bộ đường phố ở thị xã Kon Tum vào đầu năm 1931. Với sự kiện này, Kon Tum là địa phương có tổ chức Đảng vào loại sớm nhất ở Tây Nguyên cũng như cả nước. Đó không phải là sự ngẫu nhiên hoặc do điều kiện bên ngoài đưa lại mà là một tất yếu lịch sử của sự phát triển nội tại về tính chất mâu thuẫn của xã hội Tây Nguyên - Kon Tum quyết định. Sự kiện mang tính chất bước ngoặt bắt đầu cho thời kỳ đấu tranh chống Thực dân Pháp của đồng bào các dân tộc Kon Tum có đường hướng lãnh đạo của tổ chức Đảng. Dù ảnh hưởng của tổ chức Đảng còn giới hạn trong quần chúng ở thời kỳ đầu, thời gian tồn tại ngắn ngủi nhưng nó đóng vai trò gieo mầm và lan truyền ảnh hưởng của phong trào cách mạng tại Kon Tum, đồng thời mở ra tiền đề, điều kiện cho sự hình thành khối Đại đoàn kết các dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất do Đảng lãnh đạo.
Ảnh hưởng của phong trào cách mạng đối với đồng bào các dân tộc Kon Tum trong nhữn năm tiếp theo ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc từ những tấm gương đấu tranh dũng cảm, ngoan cường của những người tù chính trị. Từ những cuộc đấu tranh lẻ tẻ mang tính phản ứng nhất thời của quần chúng trước đó đã được tổ chức thành phong trào đấu tranh có kế hoạch bài bản, nhất là công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng, đã tạo được mối liên hệ đấu tranh giữa các chiến sĩ cộng sản trong các nhà lao và sự liên kết, ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân bên ngoài. Phong trào đấu tranh mang tính tập thể và đa dạng dưới nhiều hình thức mà đỉnh cao là cuộc đấu tranh lưu huyết của những người tù cộng sản nổ ra ngày 12/12/1931 tại nhà lao Kon Tum đã khiến thực dân Pháp phải lùi bước, nhượng bộ và chấp nhận yêu sách không đưa tù chính trị đi làm đường.
Sự ra đời của 2 Chi bộ Cộng sản và phong trào đấu tranh của tù chính trị được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ủng hộ, giúp đỡ và phối hợp thực hiện là dấu ấn và mốc son có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân các dân tộc Kon Tum. Là một địa phương ở xa trung tâm cánh mạng nhưng đã bắt nhịp được với cao trao cách mạng đầu tiên của cả nước trên cả hai phương diện tổ chức và phong trào. Sự kiện này không chỉ đánh dấu thành công mở đầu quá trình kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa cộng sản mà còn mở ra nội dung, phương thức mới trong việc tập hợp lực lượng chưa từng có từ xưa đến nay trên địa bàn tỉnh.
Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Kon Tum tuy mới sơ khởi hình thành qua phong trào 1930 - 1931 nhưng đã thể hiện tính chất, nội dung, phương thức đấu tranh chống Thực dân Pháp hoàn toàn khác với các phong trào trước đó.
Từ sau Cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Cao trào Dân chủ 1936 - 1939 trên phạm vi cả nước hầu như không còn cuộc bạo động vũ trang nào lớn, nhưng ở Kon Tum vẫn tiếp tục diễn ra các cuộc nổi dậy của quần chúng tấn công địch. Nổi bật là trong những năm 1935 - 1939, trong vùng đồng bào các dân tộc ở Kon Tum nổi lên một phong trào đấu tranh sôi nổi và quyết liệt, chống thực dân Pháp xâm lược với quy mô rộng lớn. Đó là phong trào “Nước Xu”, chịu ảnh hưởng từ phong trào Nước Xu của nhân dân miền Tây Phú Yên do thủ lĩnh người Chăm là Săm Brăm lãnh đạo. Ở vùng ĐăkGlei, phong trào nổi lên mạnh mẽ từ các vùng Đăk Bla, Long Ri (xã Pung Pang), tiếp đó là làng Laluarr (xã Soáp), dưới sự lãnh đạo của ông Đăng. Lúc đầu nghĩa quân chủ động bố phòng theo sông Đăk Choong, gần đồn Đăkglei để đánh địch, sau đó mở hướng phát triển ra cả một vùng rộng lớn, từ Mường Hoong (Đăkglei), qua Tu Mơ Rông, Đăk Hà (Đăk Tô), đến Voa Mơ Na (KonPlong) và tiếp tục lan rộng ra toàn tỉnh. Nhân dân các dân tộc Xê Đăng, Ba Na, KDong…đã liên kết với nhau cùng bố phòng, rào đường, cắm chông bảo vệ làng; phục kích, vây hiếp các đồn binh của địch; tiêu diệt các toán địch đi lùng, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Nước Xu là một phong trào có bước phát triển cao và quy mô, có ảnh hưởng rộng khắp các vùng đồng bào dân tộc. Một số nơi còn thu hút được cả người Kinh tham gia. Phong trào đã biết dựa vào sức mạnh của nhân dân nhiều dân tộc, biết tổ chức quyên góp vật chất để xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài (thông qua câu chuyện dùng nước thần đạn bắn không chết), biết chọn thanh niên làm lực lượng nòng cốt và đã lập được các khu đồn trú kháng chiến ở Tumggungbeng và một số căn cứ nhỏ ở trung tâm mỗi vùng.
Từ phong trào Nước Xu, trên địa bàn Kon Tum đã xuất hiện nhiều vùng căn cứ kháng chiến vững chắc, như ở Voa Mơ Na (Konlong), Đăk Tô, Mường Hoong, Ngọc Linh…với các làng chiến đấu tiêu biểu như Kon Ha Ra, Tam Nâng, Măng Tô, Konrơbàng, Pung Pang, Soáp Dùi...Những căn cứ đó sau này vẫn phát huy tác dụng. Phong trào cũng đã sản sinh ra nhiều chỉ huy gan dạ dũng cảm, như ông Đăng, ông Eng, ông Boan, E Suôi, A Mết...lúc tham gia phong trào Nước Xu còn là những thanh niên trai tráng, về sau đã trở thành những thủ lĩnh thực thụ tài giỏi, tổ chức nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tuy các cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc đều bị địch đàn áp, nhưng đã để lại trong tâm thức các thế hệ hình ảnh của những người dân không cam chịu sống quỳ, không chịu lệ thuộc vào thế lực khác, dù thế lực đó có tàn bạo đến mấy. Tinh thần quật cường bất khuất của đồng bào các dân tộc để bảo vệ cuộc sống, bảo vệ thôn làng đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết gắn bó các cộng đồng dân tộc. Nuôi lớn mãi trong các thế hệ ý thức về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc, tình yêu thương không chỉ trong nội bộ từng dân tộc, mà giữa các dân tộc với nhau cùng nhằm mục tiêu chung là đánh đuổi kẻ thù xâm lược, bảo vệ quyền sống, quyền tự do, độc lập, quyền được mưu cầu hạnh phúc, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống, vốn là nền tảng làm nên cốt cách của người dân các dân tộc Kon Tum bất khuất kiên cường.
Năm 1941, Việt Minh ra đời và không ngừng phát triển trên phạm vi cả nước, thì tại Kon Tum các hoạt động móc nối, gây dựng cơ sở Đảng vẫn chưa có kết quả, địch kiểm soát rất gắt gao và thường xuyên săn lùng, bắt bớ những người chúng nghi là cộng sản. Những năm tiếp theo do chuyển biến của tình hình cách mạng thế giới và trong nước càng làm cho Nhật - Pháp mâu thuẫn sâu sắc nhưng chúng vẫn thống nhất bắt tay nhau để ngăn chặn, đàn áp phong trào yêu nước, cách mạng của các tầng lớp Nhân dân. Chúng ra sức bưng bít ảnh hưởng của cách mạng, nhưng bằng nhiều con đường khác nhau những tin tức về thắng lợi vang dội của Hồng quân Liên Xô và diễn biến cách mạng của cả nước, đặc biệt là uy thế của Việt Minh ngày càng lớn mạnh trong phong trào cách mạng ở khắp nơi, là nỗi lo sợ thường trực của bọn thực dân, đế quốc. Trong thời kỳ này, phong trào đấu tranh của những người tù cộng sản tiếp tục giành được thắng lợi buộc địch phải bãi bỏ chế độ lao dịch với người tù và mở ra nhiều chế độ cải thiện hơn với người tù. Đáng chú ý là các phong trào này đều có sự liên kết, phối hợp và tạo điều kiện của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Chính những nơi đây, được sự giúp đỡ, đấu tranh của đồng bào địa phương một loạt tù chính trị là những cán bộ ưu tú của Đảng như Huỳnh Ngọc Huệ, Chu Huy Mân, Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh, Lê Viết Lượng…đã vượt ngục thành công, trở về các địa phương lãnh đạo cách mạng. Sau ngày Nhật đảo chính, quân Pháp ở Kon Tum phải chạy sang Lào, Campuchia làm cho ảnh hưởng cách mạng thêm lan rộng và thôi thúc các lực lượng yêu nước, cách mạng trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động, chờ đón thời cơ.
Cách mạng Tháng Tám (1945) ở Kon Tum diễn ra một cách mau lẹ và giành thắng lợi triệt để trong lúc chưa có tổ chức cơ sở của Đảng và Mặt trận Việt Minh, đó là nét đặc sắc, riêng có của cách mạng Kon Tum trong dòng chảy cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta. Điều đó chỉ có thể chứng minh rằng, tuy chưa có tổ chức cơ sở của Đảng, của Mặt trận, nhưng chính ảnh hưởng của những người tù cộng sản, tù chính trị đã lan toả thấm đẫm trong nhân dân với truyền thống đoàn kết vốn có của nhân dân các dân tộc, truyền thống yêu nước, một lòng hướng về Việt minh, ủng hộ Việt minh, theo Việt minh mà khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám ở Kon Tum diễn ra một cách nhanh gọn hầu như không tiếng súng, không đổ máu, mà thắng lợi triệt để hoàn toàn. Thắng lợi đó đã đem lại cho nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum một cuộc sống độc lập, tự do, đổi đời nô lệ, vươn lên làm chủ quê hương đất nước, giữ lấy vận mệnh của dân tộc mình. Đó cũng chính là khát vọng của bao đời các thế hệ cha, ông dày công tìm kiếm, xây dựng và vun đắp.
Thành công nhanh chóng của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám ở Kon Tum không phải ngẫu nhiên, dễ dàng, mà là kết quả của sự kết hợp của những yếu tố khách quan và chủ quan có tính chất sâu xa. Đó là kết quả của một quá trình đoàn kết đấu tranh anh dũng, bất khuất, kiên cường của nhân dân các dân tộc Kon Tum trước mọi kẻ thù xâm lược nhằm giành lấy quyền được sống, được tự do, độc lập. Đó cũng chính là khát vọng chính đáng của bao đời các thế hệ cha anh và mãi mãi về sau. Khát vọng sống và tinh thần, ý chí quyết tâm đó đã được luyện rèn và nhân lên gấp bội khi được ánh sáng cách mạng của Đảng sớm đến với Kon Tum và soi đường, chỉ lối, tạo thêm sức mạnh và niềm tin để nhân dân các dân tộc Kon Tum vững bước trên con đường đấu tranh chống lại ách đô hộ của kẻ thù xâm lược và bọn phong kiến tay sai. Chính vì lẽ đó, nên cho dù thiếu sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh lúc bấy giờ, nhưng tinh thần đấu tranh của nhân dân các dân tộc Kon Tum vẫn không chùn bước, mà âm ỉ, bùng phát, làm cho hệ thống cai trị của bọn thực dân, đế quốc luôn luôn lo sợ. Đó là tiền đề cơ bản nhất để cho các viên chức, trí thức, thanh niên tiên tiến ở Kon Tum chớp thời cơ, tập hợp lực lượng hiệu triệu nhân dân theo ngọn cờ của Đảng, chủ trương của Mặt trận Việt Minh nhanh chóng giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945.
Được sống trong những ngày hòa bình, tự do dưới chế độ mới, tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống nhưng người người đều cảm nhận được sự đầm ấm, hạnh phúc và niềm vui vô bờ. Ngày 19 - 4 - 1946, Đại hội đại đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Nam tại PleiKu, Bác Hồ kính yêu đã gửi đến Đại hội bức thư, với những lời tâm huyết: “...Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt, chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do độc lập của chúng ta...
Lễ mừng chiến thắng ở Kon Tum tháng 2/1954.
Với truyền thống đoàn kết vốn có và thấm nhuần những lời dạy bảo ân cần của Bác, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum càng thêm vững tin, sức mạnh đoàn kết của các dân tộc càng được củng cố và tăng cường, cùng với nhân dân cả nước, Nhân dân các dân tộc Kon Tum tích cực tham gia xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, hăng hái thi đua sản xuất, chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc kháng chiến đang đến gần.
Mặt trận Việt Minh tỉnh được thành lập sau Cách mạng tháng Tám (10/1945), có tổ chức bài bản nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn thì thực dân Pháp tái chiếm, các cơ quan đầu não của tỉnh phải rút vào hoạt động bí mật. Tháng 5/1946, theo sáng kiến của Hồ Chủ tịch, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập để thu hút các thân hào, thân sỹ, chức sắc tôn giáo vì lẽ này, lẽ khác chưa tham gia Việt Minh. Ở Kon Tum, Việt Minh tiếp tục phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức tổ chức đa dạng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Để phù hợp với tình hình cụ thể và mở rộng khối đoàn kết các dân tộc vì mục tiêu chung, Mặt trận Việt Minh (1945), Hội Liên Việt (1946), Mặt trận Liên Việt (1951) được thay bằng những tên dễ hiểu, dễ nhớ như Hội đánh Tây, Hội Mẹ chiến sĩ, Hội Phụ lão, Đoàn thanh niên...Toàn tỉnh có đến 3/4 số dân tham gia vào các loại hình tổ chức.
Ngày 19-12-1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum lại phát huy tinh thần đoàn kết, nhất tề đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược. Với tinh thần quyết tâm giữ vững độc lập, tự do, chủ quyền và thành quả cách mạng, mặc dù đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ trong cuộc chiến không cân sức với kẻ thù, nhưng với tinh thần quyết tâm, ý trí căm thù giặc sâu sắc và sức mạnh của truyền thống đoàn kết các dân tộc. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, ngày 07-02-1954, tỉnh Kon Tum hoàn toàn được giải phóng, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã lập nên kỳ tích, góp lửa cùng với nhân dân cả nước làm nên một “Điện Biên Phủ” chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trải qua chặng đường 21 năm trường kỳ kháng chiến, với bao khó khăn, gian khổ và sự khốc liệt, nhưng rất đỗi anh hùng, truyền thống đoàn kết một lần nữa phát huy, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum lại kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù. Trước khí thế của phong trào đồng khởi giành thắng lợi ở nhiều nơi, đã tạo không khí nổi dậy tấn công địch sôi nổi ở Kon Tum; mở đầu là quần chúng nổi dậy chống càn ở Măng - Lôn (H.40) tháng 11-1959 và cuộc nổi dậy ở Tà Bọt tháng 9-1960 lên đến cao trào hưởng ứng chủ trương của Liên khu uỷ V. Diễn biến của các cuộc tấn công và nổi dậy đánh địch ở Kon Tum là đỉnh cao của hình thức tổ chức, phong trào Mặt trận dân tộc thống nhất, kết hợp nhiều lực lượng, phương thức đấu tranh. Thắng lợi của phong trào đồng khởi vừa đặt ra yêu cầu vừa tạo điều kiện hình thành tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất để tập hợp, liên kết các lực lượng cách mạng. Từ ngày 03 đến ngày 5/01/1961 tại làng Đăk Pét, xã Đăk Rơ Manh, H.29 (huyện Konplông), Đại hội đoàn kết các dân tộc toàn tỉnh lần thứ nhất khai mạc, bầu ra Uỷ ban Phong trào Dân tộc tự trị tỉnh Kon Tum gồm 30 vị, cử ông A Chương (người Xê Đăng) làm Chủ tịch.
Ông A Chương - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc tự trị tỉnh Kon Tum từ năm 1961-1975.
Như vậy, Mặt trận Dân tộc tự trị ở Kon Tum ra đời chỉ sau sự xuất hiện của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có 15 ngày. Đây là thắng lợi có ý nghĩa to lớn về chính trị, biểu thị khối đại đoàn kết thống nhất các dân tộc không ngừng lớn mạnh trước âm mưu chia rẽ của địch. Đây cũng là nét độc đáo, sáng tạo của quá trình hình thành, phát triển tổ chức, phong trào Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ - Nguỵ ở Kon Tum. Từ đó Mặt trận dân tộc tự trị Kon Tum là ngọn cờ đoàn kết các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã lập được nhiều chiến công hiển hách, góp phần quan trọng đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng toàn tỉnh Kon Tum và tiến tới thống nhất đất nước. Những đóng góp xứng đáng của nhân dân các dân tộc Kon Tum đã góp phần thực hiện được mong ước lớn lao của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giang sơn Tổ quốc thu về một mối, Bắc - Nam thống nhất, sum họp một nhà.... (Còn nữa)
(Kỳ ba: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum qua các kỳ Đại hội).
Xuân Châu