Đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thống nhất ban hành Nghị quyết của Đại hội với nhiều nội dung quan trọng mang tầm chiến lược để lãnh đạo, chỉ đạo trong 5 năm tới. Nghị quyết là công trình tập thể, được kết tinh bằng ý chí, nguyện vọng và quyết tâm của toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết đó là Phát động và triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở Bắc Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 9.689,61 km, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp các tỉnh Attapư, Sê Kông (Nước Công hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia) có đường biên giới là 292,522 km; có 09 huyện, 01 thành phố với 102 xã, phường thị trấn, gồm 756 thôn, tổ dân phố. Dân số toàn tỉnh đến năm 2020 có trên 540.438 người, với 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS là 296.866 người, chiếm 54,93%, có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo cấp uỷ đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi từng bước ổn định và phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế: kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc; nguồn nhân lực của tỉnh nói chung, vùng DTTS nói riêng còn thiếu, tỷ lệ lao động có chất lượng cao còn thấp; hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến chưa nhiều. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục còn khó khăn. Mạng lưới y tế hoạt động hiệu quả chưa cao. Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững. Kết cấu hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, kinh tế phát triển giữa các vùng chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; chưa xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc, an ninh nông thôn còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, tình trạng khai thác khoáng sản lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra.
Trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy đã ban hành chủ trương đặc thù về xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh, phân công các cơ quan, đơn vị nhận kết nghĩa, trực tiếp hỗ trợ các xã trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng. Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã và đang tích cực triển khai thực hiện các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Phong trào 5 không 3 sạch của Hội phụ nữ; Phong trào Cựu Chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế; Phong trào Thanh niên lập thân, Lập nghiệp… cùng với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” … đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, làm khởi sắc bộ mặt nông thôn tỉnh nhà.
Cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp thì một yếu tố hết sức quan trọng, đó là cộng đồng các DTTS tỉnh Kon Tum luôn phát huy truyền thống đoàn kết, giúp nhau trong lao động sản xuất, cuộc sống; Tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi đã có những chuyển biến rõ rệt, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá với cơ cấu hợp lý, các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực được xác định và tập trung phát triển; ba vùng kinh tế động lực được quan tâm đầu tư; các nguồn lực được chú trọng khai thác và sử dụng phát huy hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân chuyển biến rõ nét. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục - đào tạo không ngừng được nâng lên. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hằng năm đạt mục tiêu đề ra; thu nhập của nhóm hộ nghèo ở nông thôn từng bước được cải thiện. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị xã hội ổn định...
Khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được củng cố và tăng cường trong điều kiện mới: phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người tiêu biểu trong các tôn giáo, các dân tộc để tuyên truyền, vận động. Cơ cấu xã hội tiếp tục có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, các giai cấp, các tầng lớp Nhân dân có mối quan hệ gắn bó, đồng thuận chung sức, chung lòng vì một Kon Tum ổn định, phát triển và sớm thoát nghèo.
Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên triển khai ngày càng đi vào cuộc sống; các phong trào, cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn, thiên tai; các hoạt động tự quản ở cộng đồng để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới…có tác dụng thiết thực tạo nên sự gắn kết cộng đồng phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Dân chủ được phát huy gắn liền với những nỗ lực thực hiện kỷ cương xã hội đã góp phần ổn định chính trị - xã hội; hình ảnh của một Kon Tum thân thiện và nghĩa tình, hiền hòa mà năng động đang dần hiện ra một cách rõ nét. Yếu tố đoàn kết các dân tộc trong thời kỳ mới đã và đang tạo ra sức mạnh tổng hợp, khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, nội lực trong Nhân dân; tính tự quản, tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc được phát huy, đã góp phần quan trọng trong quá trình thay đổi diện mạo về kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh nhà, làm cho đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, hệ thống chính trị trong toàn tỉnh mạnh lên về mọi mặt với khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.
Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế địa phương về thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, chưa thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của người dân tộc thiểu số trên địa bàn; Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số còn cao, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào DTTS còn thấp, còn chịu sự ảnh hưởng của một số hủ tục lạc hậu; giao thông không thuận lợi; một bộ phận còn trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước; khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn chậm được thu hẹp so với các vùng khác… số mô hình về phát triển kinh tế còn hạn chế về nguồn lực, thiếu tính liên kết giữa các ngành, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chậm được cải thiện, nâng cao và thiếu tính bền vững. Từ đó, Nghị quyết số 06-NQ/ĐH, ngày 30-9-2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI khẳng định: Phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững". Một số nội dung trọng tâm cần đẩy mạnh tuyên truyền của Cuộc vận động đó là:
- Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết của Tỉnh uỷ, nhất là các lĩnh vực: đất đai, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
- Các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương đồng bào dân tộc thiểu số điển hình trong lao động sản xuất nhằm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững.
- Hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất, biết triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
- Hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn với Đề án mỗi xã một sản phẩm.
- Tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dược liệu, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ và quản lý rừng.
Đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, xã hội và tính nhân văn sâu sắc. Cuộc vận động mang tính “Toàn dân-Toàn diện-Toàn tỉnh” góp phần để đồng bào các DTTS thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, tiến bộ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất, từ những hộ nghèo, cận nghèo đã có nhiều hộ khá giả, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường; có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được hình thành, bộ mặt nông thôn mới các vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần được hình thành và từng bước hoàn thiện.
Một số đề xuất về giải pháp định hướng để phát động và triển khai hiệu quả Cuộc vận động“Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian tới như sau:
Tiếp tục xác định vai trò định hướng, chỉ đạo của các cấp ủy, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, các cấp, ngành với MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số gắn liền trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, tổ chức trong tinh, chú trọng vào các nội dung cụ thể, thiết thực gắn liền với đời sống Nhân dân.
Thực hiện lồng ghép việc triển khai Cuộc vận động trong nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua khác trên địa bàn tỉnh, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”...
Các địa phương quan tâm bố trí nguồn kinh phí phù hợp để triển khai thực hiện Cuộc vận động, chú trọng kinh phí tuyên truyền, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững tại địa phương, xây dựng nông thôn mới trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thường xuyên đổi mới phương thức tổ chức thực hiện của các cơ quan, ban ngành, địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Việc phối hợp triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết và chủ đề của Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững".
Xuân Châu